Bạn đang băn khoăn kiếm tìm một chỗ đứng vững chắc trong công việc? Bạn
khát khao vươn đến một thành công trong tương lai? Điều đó hoàn toàn có
thể nếu bạn mang theo mình hành trang 5 chữ D đến công sở mỗi ngày.
1. Dependability: Đáng tin cậy
Từ đáng tin cậy có nghĩa, bạn phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm
cho chính công việc của mình. Bạn sẽ không đổ lỗi cho bất cứ ai nếu công
việc được giao không trôi chảy. Đồng thời, cũng chính bạn sẽ là người
nghiệm thu thành quả mà bạn đã nỗ lực thực hiện trong quãng thời gian
dài.
Khi trở thành một người đáng tin cậy, bạn sẽ là nhân viên
“đinh” trong mắt đồng nghiệp và có cơ hội thực hiện những dự án quan
trọng của công ty. Bởi vậy con đường vươn tới thành công sẽ mở rộng ra
trước mắt bạn.
2. Determined: Quyết tâm
Chữ D thứ hai đề cập
đến tinh thần bền bỉ vượt qua mọi khó khăn trong công việc. Nếu bạn
mong muốn đạt được thành công thì sự quyết tâm chính là yếu tố cần phải
đặt lên hàng đầu. Nó không chỉ giúp bạn hoàn thành tốt công việc của
mình trong thời điểm hiện tại mà còn giúp bạn vươn đến những thành công
trong tương lai.
Một người có lòng kiên trì luôn được khơi nguồn
cảm hứng từ tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết. Chỉ khi bạn thực
hiện công việc với quyết tâm cao nhất thì khi đó bạn mới đạt được hiệu
quả tốt nhất và giành được sự chú ý của mọi người.
3. Delight: Thái độ lạc quan
Hãy chứng tỏ sự đam mê công việc của bạn tại công sở bằng thái độ lạc
quan. Thực tế cho thấy, không một nhân viên nào muốn làm việc cùng người
đồng nghiệp hay than phiền, cằn nhằn về những chuyện nhỏ nhặt. Chính
sự hoà nhập, thái độ lạc quan và nụ cười tự tin của bạn mỗi khi phải
đối mặt với khó khăn sẽ khiến công việc dễ chịu hơn rất nhiều. Thái độ
lạc quan cũng đồng nghĩa với những quan điểm tích cực. Nếu luôn mang
trong mình thái độ lạc quan, bạn sẽ nhận được những điều tốt đẹp xứng
đáng.
4. Detailed: Tính tỉ mỉ
Một người nhân viên tỉ mỉ sẽ
không bao giờ khiến công việc trở nên rối rắm trong tay họ. Một con
người tỉ mỉ sẽ làm việc miệt mài để đảm bảo rằng họ sẽ kiểm sóat tốt
công việc của mình. Đó là những người có thừa sự cẩn thận và luôn mong
muốn biến mọi thứ trở nên thực sự hoàn hảo.
Khi bạn là một người tỉ
mỉ, sếp của bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng để bạn thực hiện nhiều công việc
một lúc mà không hề lo lắng, bởi họ biết bạn sẽ thực hiện chúng tốt
đến từng chi tiết.
5. Devoted: Tận tụy cống hiến
Trong công
việc, một người nhân viên tận tụy cũng chính là người mang trong mình
ngọn lửa nhiệt huyết bùng cháy nhất . Nếu bạn là một người tận tuỵ vì
công việc, bạn sẽ dễ dàng tập trung hơn vào những mục tiêu lớn của bản
thân hay tổ chức . Do đó bạn sẽ không lãng phí thời gian quí báu để tự
biến mình thành thành viên tích cực trong “tổ buôn” chốn công sở.
Điều quan trọng nhất để đạt đuợc thành công chính là sự tự trau dồi bản
thân của bạn bằng 5 chữ D hữu ích. Năm thái độ lạc quan trên sẽ giúp
bạn có được kết quả khả quan trong công việc.
Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013
CẤU TRÚC MẢNG TRONG HỘI HỌA
Trong
hội họa nói chung, bố cục được xem như là tổng thiết kế cấu tứ và sắp
xếp các yếu tố thị giác. Bố cục bao hàm nhiều nhân tố đối lập cùng với
những tác dụng tương hỗ, hình và nền, sáng và tối, mặt phẳng và hình
khối, góc nhìn và dẫn hướng, động thái và tĩnh thái…
Để có được một bố cục hợp lý, việc tổ chức sắp xếp các mảng chính phụ,
mảng trống,... có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết
này tôi không có tham vọng bàn luận kỹ đến bố cục của tác phẩm mà chỉ
nêu lên một số suy nghĩ về cấu trúc của mảng trong sáng tác hội họa.
1. Quan niệm về mảng
Trên
mặt phẳng của một bức tranh, nếu để nguyên vẹn một màu trắng của giấy
hay vải toan để vẽ thì ta có thể gọi đó là mảng trống. Nếu ta chấm lên
đó một chấm thì có thể gọi đó là điểm. Nếu tiếp tục chấm nhiều điểm vào
đó thì ta có thể gọi đó là một mảng được tập hợp bởi nhiều điểm. Tương
tự như vậy, ta có một tập hợp là nét gồm một mảng được cấu thành bởi các
nét.
Theo
từ điển thuật ngữ mỹ thuật phổ thông, một lượng màu nào đó chiếm diện
tích nhất định trên mặt tranh, tạo thành một mảng riêng, phân biệt rõ
rệt với các mảng màu xung quanh nó… thì đó được gọi là mảng màu.
Sự phân biệt này có thể do độ đậm nhạt, nóng lạnh của màu sắc hoặc về
nội dung hình thể trong tranh. Khi nói đến mảng màu, người ta thường chỉ
các mảng màu lớn. Tuy nhiên, trong các mảng màu lớn, có chứa đựng các
mảng màu nhỏ hơn. Trong tranh đen trắng thì đó là những mảng màu mang
các sắc độ khác nhau của đen và trắng.
Các
nét, hình và điểm, khi được tổ chức, sắp xếp một cách có ý thức, sẽ tạo
nên một hình hoặc một khối. Như vậy, trong một mảng có thể có một hoặc
nhiều hình, tập hợp của các nét và điểm và ngược lại, hình hoặc khối có
thể là tập hợp của một hoặc nhiều mảng. Qua các lập luận trên, có thể
đưa ra một quan điểm riêng của tôi về mảng như sau: Mảng là sự cấu thành
của một hoặc nhiều hình, khối, cùng sự tham gia của các tập hợp của
điểm, đường nét tạo nên.
Một
bức tranh được hình thành trên cơ sở của nhiều mảng tập hợp lại. Sự sắp
xếp, tổ chức của các mảng, qua sự sáng tạo của họa sĩ, đã để lại cho
nhân loại những kiệt tác với rất nhiều trường phái và phong cách khác
nhau.
2. Quan hệ giữa mảng hình và nền
Trong
tự nhiên, không tồn tại mối quan hệ giữa hình tượng và bối cảnh, giữa
hình và nền. Khi thị giác con người tập trung vào một điểm, họ dễ dàng
coi mọi thứ xung quanh là bối cảnh và môi trường. Chính vì vậy, các họa
sĩ lợi dụng sự giới hạn của thị giác, làm điểm nổi rõ lên thành hình,
những cái còn lại thì xử lý thành nền. Để khống chế phạm vi hoạt động của
thị giác, bối cảnh của hội họa, về cơ bản, đều bị khoanh lại trong giới
hạn. Một số nhà tâm lý học đã phân định hình và nền như sau: “Hình
có tính nhô nổi, mật độ cao, có cảm giác đầy chặt, có hình dạng rõ
ràng, có đường bao hoặc đường ranh giới... Nền có tính lùi lại sau, mật
độ thấp, không có cảm giác đầy chặt, hình dạng tương đối rời rạc, không
có đường ranh giới cố định”(1).
Khi
độ đậm nhạt của hình và nền gần như nhau thì sự phân biệt là đường chu
vi, nếu đường chu vi cũng không rõ lắm thì phải dựa vào tác dụng của
tính ngưng tụ của hình (tâm lý học thị giác gọi hình có tính ngưng tụ là
hình đóng kín). Do kinh nghiệm và tri thức thị giác của mỗi người ít,
nhiều khác nhau, cho nên thời gian để nhận biết hình vẽ và kết quả không
thể giống nhau, tính ngưng tụ sẽ là mấu chốt trong việc thức tỉnh tín
hiệu được lưu trữ của người đó.
Tính
ngưng tụ của hình thông thường có hai loại tình huống: dẫn dắt thị giác
liên kết các hình rời rạc, phân tán thành đường chu vi, thành chỉnh thể
của hình; dẫn dắt thị giác liên hệ những phần chủ chốt thành mảng để bổ
sung thêm hình thể.
Nhìn
chung, từ góc độ nghệ thuật, tính ngưng tụ chỉ là tính năng tất yếu có
của hình tượng nghệ thuật bên cạnh tính thuyết minh và giá trị thẩm mỹ.
Nhiều tác giả không theo đuổi việc diễn tả thực hình thể, nhưng nhấn
mạnh được đặc trưng điển hình của nó, ngôn ngữ hội họa biểu đạt được
tinh thần của hình thể thông qua việc sắp xếp, cấu thành tác phẩm nghệ
thuật.
Tính
ngưng tụ của hình trong hội họa còn thể hiện thông qua màu sắc, đường
nét, độ đậm nhạt, diện tích mảng hình, chất liệu, mật độ của hình,... từ
đó tạo nên tỷ trọng, sự nặng nhẹ của hình thể trong tranh. Nếu xử lý
đúng lúc, đúng chỗ các yếu tố trên thì các mảng hình sẽ ăn nhập hài hòa
với phần nền và mang lại tính thẩm mỹ cao cho tác phẩm.
3. Cấu trúc mảng
Bất
kỳ một tác phẩm nào muốn được làm rõ nội dung, chủ đề mà tác giả cần
diễn đạt thì việc cần thể hiện là phần chính và phần phụ. Phần chính cần
phải là phần trọng tâm và điển hình, phần phụ là phần hỗ trợ để phần
chính thêm phong phú hơn và nổi bật trọng tâm hơn. Vì vậy, phần chính
không thể quá lấn át phần phụ, và ngược lại, phần phụ cũng không được
quá nổi bật mà làm mất đi trọng tâm (tức là lấn át phần chính). Các mảng
chính, mảng phụ cần phải được phân biệt rõ ràng và có sự liên kết có tổ
chức rõ rệt từ các mảng lớn, các mảng nhỏ, phần hình và khoảng trống,
kết hợp với các mảng màu, các sắc độ, sự phân bố sáng tối, đặc biệt là
hệ thống các mảng cho phù hợp với nội dung và cảm xúc của tác giả. Muốn
để phần chính và phần phụ ăn nhập với nhau và mang lại hiệu quả thẩm mỹ,
việc cân bằng thị giác là yếu tố quyết định.
Cân bằng thị giác
Sự
cân bằng thị giác được tạo ra nhờ việc sắp xếp các hình thể mà mắt
thường nhìn thấy được trên bề mặt của diện tích bố cục một cách hài hòa,
hợp lý và ổn định; phải khái quát được diện tích đó, dù to hay nhỏ, như
một tổng thể. Cũng vì thế, sự cân bằng thị giác còn được nhìn nhận như
là sự cân bằng về trọng lượng. Một bố cục chỉ làm ta thỏa mãn khi các
lực của nó được sắp xếp hợp lý. Bởi vì khi quan sát một hình thể, bao
giờ chúng ta cũng phải xác định hình đó với không gian xung quanh, nói
cách khác, đó là sự so sánh, liên hệ với không gian ấy để đo được các
khối hình hai phía. Để cân bằng thị giác trong tranh, cần các yếu tố
sau: thứ nhất, hình thể có trọng lượng lớn có thể cân bằng một hình nhỏ
nhưng có đòn bẩy dài hơn, hay một hình có diện tích lớn hơn nhưng sắc độ
mờ nhạt hơn so với nền thì cũng bằng một diện tích nhỏ hơn nhưng có độ
đậm nhạt nổi hơn nó (tương quan hình - nền). Thứ hai, độ tương phản mạnh
so với nền và xung quanh, tạo ra cảm giác nặng, nhẹ (2).
Sau
khi đã đạt được sự cân bằng về thị giác thì sức căng của bố cục cũng là
vấn đề cần phải chú ý. Số lượng và chất lượng của hình và nền, với tỷ
lệ to nhỏ, tương quan sáng tối, có ảnh hưởng rất lớn với vùng trống xung
quanh và tạo sức căng cho toàn bộ kích thước bức tranh. Sắp đặt hình
thể trong không gian sao cho bản thân chúng có mối tương quan mật thiết
và hài hòa từ trung tâm đến các khu vực xung quanh. Đặc biệt lưu ý đến
độ nhấn và khoảng trống đó là đối trọng giữa đầy và vơi, có ý nghĩa quyết định của một bố cục
Tổ chức sắp xếp mảng
Việc
sắp xếp, tổ chức các mảng, hình, khối, độ đậm nhạt, đường nét,... có
một ý nghĩa vô cùng quan trọng để nhấn mạnh trọng tâm và ý đồ thể hiện
của tác giả với nội dung cần truyền đạt. Sắp xếp các mảng chính phụ hài
hòa là việc làm đầu tiên của họa sĩ.
Nói
đến mảng chính (mảng trọng tâm) tức là nói đến mảng lớn chứa đựng các
mảng nhỏ hơn, trong đó có thể có các hình thể, hình khối. Các mảng, khối
... được hình thành trên tổ hợp của các nét và của các điểm khác nhau.
Tuy nhiên, các mảng đó phải tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong tổng
thể bức tranh.
Sự
thống nhất thể hiện ở các hình ở mảng chính rất cần tạo nên sự chặt chẽ
về bố cục, sự sáng tạo trong cách tổ chức sắp xếp trong toàn mảng. Sự
tổ chức sắp xếp bao gồm các mảng hình, các mảng đậm nhạt, sáng tối, các
mảng đặc, khoảng trống, sự vận động của các hình, khối trong không gian,
mật độ của các hệ thống nét và điểm, đặc biệt là chất của các mảng
trong tổ chức của toàn hệ thống đó.
Trước
khi sắp xếp, tổ chức các mảng lên mặt phẳng tranh, thông thường họa sĩ
phải xác định mình vẽ trên khung hình loại gì, hình chữ nhật đứng hay
nằm ngang, hình vuông hay hình tròn... Bên cạnh đó, anh ta cũng cần phải
xác định mình sẽ vẽ tranh theo thể loại thấu thị gì để có phương án bố
cục mảng cho hợp lý. Khi tổ chức sắp xếp mảng, rất cần chú ý đến các yếu
tố sau:
Trước
tiên là yếu tố cân đối. Tính cân đối được thể hiện bởi sự cân đối trong
các mảng, hình khối, cân đối về đậm nhạt, về đường nét, về chất. Sự cân
đối ở đây là sự tổ chức sắp xếp hợp lý về tỷ lệ giữa mảng chính với
mảng phụ, giữa các khoảng trống, giữa các hình trong các mảng, giữa hình
với hình, về tỷ lệ và cấu trúc của mảng sao cho thuận mắt. Phân bố độ
đậm nhạt, màu sắc trong tranh cho nổi bật được nội dung cần diễn tả, đặc
biệt là phải có sự liên kết hài hòa trong hệ thống sáng tối của bức
tranh. Tổ chức hệ thống nét, hệ thống các điểm trong mảng cho phù hợp
với tổng thể.
Tính
cân đối về mảng được tổ chức sắp xếp bởi tỷ lệ các mảng chính với mảng
phụ, với khoảng trống. Mảng chính cần có tỷ lệ vừa đủ để diễn tả về nội
dung, không được to hay nhỏ quá và đặc biệt là phải đặt đúng vị trí sao
cho hợp lý, hài hòa về bố cục.
Thứ
hai là yếu tố tương phản, nói cách khác là sự đối lập. Trong hội họa,
sự đối lập thường được thể hiện ở tỷ lệ giữa mảng chính và mảng phụ,
giữa mảng với mảng, mảng với hình, giữa hình với hình, hình với nền, ở
độ đậm nhạt, giữa mảng chính và phụ, với khoảng trống. Bên cạnh đó có
thể còn có sự thay đổi, đối lập về phong cách tạo hình, tính cách nhân
vật, về hình dáng các mảng, hình với nhau. Mảng hình cứng với mảng hình
mềm, mảng chuyển động, mảng tĩnh,... Các mảng màu, độ nóng lạnh, về chất
trong các mảng sẽ tạo nên tính tương phản trong tranh.
Sự
đối lập để tạo nên sự chú ý hay nhấn mạnh trọng tâm sẽ là yếu tố rất
quan trọng trong việc sắp xếp cấu trúc cho các mảng, tạo nên sự hài hòa
trong tác phẩm. Tất cả sự đối lập trên khi được tổ chức sắp xếp hợp lý
trong hệ thống của bức tranh sẽ tạo nên sự cân đối trong tranh và đặc
biệt sẽ tạo nên bản sắc cũng như sự sáng tạo của người họa sĩ.
Thứ
ba là yếu tố liên tục. Sự liên tục trong tranh là cần thiết, đây là cầu
nối cho các mảng, các độ đậm nhạt, về đường nét, điểm trong tranh tạo
nên sự liên kết vững chắc cho cấu trúc của mảng, tạo nên nhịp điệu của
các mảng, sự vận động của khí trong tranh.
Thứ tư là yếu tố nhịp điệu. Sự
thay đổi về tỷ lệ giữa các mảng, về hướng, về nét cứng, mềm, về tính
chất tĩnh, động của các mảng sẽ tạo nên nhịp điệu. Sự phân bố về đậm
nhạt, về tổ chức sắp xếp đường nét, điểm trong các mảng một cách hợp lý
sẽ tạo nên cấu trúc mảng vững chắc và có những nhịp điệu trong hệ thống
các mảng trong mặt phẳng tranh. Quan hệ giữa hình với hình, giữa
hình với nền, quan hệ của hình với mảng, giữa mảng với mảng, giữa phần
chính và phần phụ, quan hệ về tương quan, về sáng tối, về đậm nhạt,...
được dựa trên các tính năng của từng loại khối và sự vận động của các
hình, khối. Tiếp đó là sự liên kết giữa các khối và khoảng trống, sự kết
hợp giữa các hình (vuông, tròn, tam giác) với nền. Cho nên việc sắp
xếp, tổ chức các mảng nhỏ trong mảng chính cùng với bố trí đậm nhạt
trong mảng chính và các mảng phụ cùng khoảng trống sẽ tạo nên tính nhịp
điệu cho bức tranh.
Trong
bố cục, yếu tố chính phụ luôn song hành với nhau. Mảng chính là phần
trọng tâm để nhấn mạnh nội dung và chủ đề của tác phẩm nhưng mảng chính
không hoàn chỉnh, có khi còn khô cứng, nếu không có sự bổ trợ của mảng
phụ. Mảng phụ có thể là những mảng hình nhỏ hơn về diện tích đồng thời
lực ngưng tụ ít hơn mảng chính, sắc độ cũng không rõ nét và ít sự biểu
hiện hơn. Mảng phụ cũng có thể là các khoảng trống. Những khoảng trống
này thực sự có tiếng nói trong tổng thể của một bức tranh. Một mảng phụ
đẹp phải là một mảng phụ có tính liên kết và hỗ trợ với các mảng khác,
đặc biệt là mảng chính. Sự cân đối của bức tranh khi và chỉ khi các mảng
chính phụ cân đối với nhau về diện tích, về sắc độ, về đường nét, về
chất, đặc biệt cần phải cân đối về sự ngưng tụ của hình thể được diễn tả
trong tranh. Sự hỗ trợ của mảng phụ sẽ làm cho bức tranh rõ hơn về phần
nội dung và làm cho tác phẩm hài hòa và ấn tượng.
Trong
tác phẩm hội họa, những khoảng trống và cấu trúc của khoảng trống hết
sức đa dạng. Những khoảng trống, hay gọi cách khác là không gian bao
quanh chủ thể chính, là tập hợp các yếu tố phụ hoặc yếu tố giai thoại -
có thể có một giá trị biểu cảm lớn hơn cả khoảng đặc (những yếu tố nhìn
thấy, những hình thể hiện hữu). Thậm chí, những khoảng trống này cho ta
một ý nghĩa sâu thẳm của bức tranh. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào vị
trí mà những khoảng trống chiếm lĩnh trong khuôn hình và việc kết hợp
khéo léo với các mảng hình trong tác phẩm.
Cấu
trúc của các mảng cùng các hình tượng được đưa vào trong tác phẩm cần
đơn giản và tinh luyện. Sự tổ chức, sắp xếp đó không những từng nét phải
tinh tế, cẩn thận mà còn rất cần đến tạo hình biểu đạt chuẩn xác, sinh
động. Sự sắp xếp, bố trí mảng rất cần đến sự phong phú song không rườm
rà mà tinh giản, biểu đạt được nội dung thiết thực, thông qua các hình
tượng điển hình. Khả năng thể hiện của nghệ thuật đối với thế giới mênh
mông này là có hạn. Các nhà mỹ học cho rằng lấy một làm mười,
chọn dùng những hình tượng hữu hạn để biểu hiện nội dung vô hạn, lời nói
có tận cùng mà ý không tận cùng mới là cái đẹp nghệ thuật.
_______________
1. Vương Hoằng Lực, Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2007, tr.44.
2. Lê Huy Văn, Trần Tư Thành, Cơ sở tạo hình, Nxb Mỹ thuật, 2006, tr.31.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012
Tác giả: Trần Thanh Liêm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)