Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Canh măng mực Bát Tràng ( Hà Nội )

Canh măng mực là sự kết hợp hài hòa của hương vị ba miền Bắc, Trung, Nam.

Hương vị của mực dưới biển, mùi thơm của măng trên rừng và vị ngọt của nước dùng được nấu từ xương, thịt lợn, gà… miền đồng bằng cùng hội tụ trong bát canh măng mực ngon ngọt.
Nhắc đến làng cổ Bát Tràng người ta không chỉ hình dung ra một khung cảnh yên bình của những làng quê Việt Nam xưa, mà còn nhớ đến những giá trị vật chất và tinh thần, đó là những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng. Còn một đặc trưng nữa mà ít người biết đến đó là đặc sản canh măng mực, một món ăn đã trở thành truyền thống mà duy nhất chỉ ở Bát Tràng mới có.
 
Ngon ngọt bát canh măng mực.
 
Để có được bát canh măng mực ngon là cả một nghệ thuật. Nguyên liệu chuẩn bị rất công phu, cầu kỳ, công đoạn chế biến tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của người làm.
Món canh măng mực Bát Tràng, một món ăn không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, cưới hỏi của làng nghề truyền thống này. Khó nhất của món ăn này là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Cần phải huy động nhiều người giúp bởi món ăn này cực kỳ công phu, nhiều công đoạn và tốn thời gian.
Đầu tiên, người ta phải chọn loại măng khô có màu vàng sáng, tốt nhất là loại măng vầu, dùng dao nhọn hoặc kim băng tước măng thành từng sợi nhỏ, chừng bằng que tăm. Sau khi tước xong cho măng vào nồi luộc khoảng 2-3 nước cho măng mềm và có màu vàng nhạt. Sau đó, người ta lại tiếp tục tước măng nhỏ hơn nữa, như những sợi tóc. Một nguyên liệu quan trọng nữa của món ăn này là mực khô.
Người ta chỉ lấy phần thân mực, bóc bỏ mai, yếm và đầu, râu mực để mực không bị sơ và cứng. Ngâm và tẩy sạch mực bằng rượu. Sau khi mực được nướng chín, lấy vài lát gừng giã nhỏ mịn, lọc bằng nước nóng rồi dùng nước đó tẩy lại mực lần thứ 2. Tiếp theo, dùng búa đập nhẹ để thân mực hiện rõ từng thớ thịt. Xé mực thành từng sợi nhỏ như măng rồi đem xào với mỡ, khi xào cho thêm vào một chút đường và muối tinh.
Chú ý, khi xé mực, sợi phải dài để có thể quấn với măng. Nguyên liệu cuối cùng là thịt thăn luộc chín thái chỉ và xào cho ngấm mắm muối. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, người nấu cho cả măng, mực, thịt thăn vào xào chung, nêm thêm mắm muối cho vừa ăn, sau đó đổ nước luộc gà đang sôi vào rồi ninh nhỏ lửa cho đến khi măng chín mềm.
 Nước dùng được chế biến từ xương lợn, gà, thịt ba chỉ… ninh nhừ. Khi nước dùng ngọt và nêm gia vị thì cho măng mực vào ninh tiếp khoảng 30-45 phút là được.
Bát canh măng mực múc ra phải có màu vàng ươm, nước dùng phải trong và ngọt lịm. Khi ăn măng mực sẽ giòn giòn, dai dai và mềm cùng hương thơm hấp dẫn. Canh măng mực được người dân sử dụng trong những ngày lễ hội, giỗ tết, đám cưới hỏi… như một nét đặc trưng riêng có của nơi đây.
Món ăn cầu kỳ này có thực sự ngon ngọt vừa ăn hay không cũng đòi hỏi sự khéo léo của người nội trợ, từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế cho đến việc nêm nếm gia vị. Phải làm sao cho khi múc ra bát, món măng mực này phải có màu vàng sáng, nước canh trong, vị ngọt đậm đà và thơm của mực. Sợi măng giòn, sợi mực mềm mà dai khiến cho món ăn càng hấp dẫn hơn.
Không biết món canh măng mực Bát Tràng này có tự bao giờ, chỉ biết, cho đến nay, món ăn này vẫn được người Bát Tràng giữ gìn và coi  như một nét đặc sắc của làng cổ vốn nổi tiếng về nghề gốm này.
Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội không xa. Nếu có dịp tới thăm làng cổ này, bạn đừng quên thưởng thức món canh độc đáo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét