Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Isaac Ilyich Levitan

Isaac Ilyich Levitan là họa sĩ tranh phong cảnh người Nga gốc Do Thái. Với những tuyệt tác như Mùa thu vàng hay Rừng bạch dương, Levitan được coi là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của chủ nghĩa hiện thực ở thế kỷ 19.
Isaac Levitan sinh năm 1860 trong một gia đình nghèo ở thị trấn Kibarty, tỉnh Kovno (nay là Kaunas, Litva). Bố của Levitan là gia sư dạy ngoại ngữ, nên tuy nghèo nhưng thấy con đam mê hội hoạ, ông cố gắng tằn tiện để chu cấp cho con học hành đến nơi đến chốn.
Năm 1873, Levitan thi đỗ Trường Mỹ thuật và Kiến trúc Moskau Trường là một trong những cái nôi đào tạo họa sĩ danh tiếng ở nước Nga bấy giờ, Các họa sĩ bậc thầy lúc đó như Vasilii Perov, Aleksei Savrasov và Vasilii Polenov cảm phục tài của cậu học trò Levitan, đã giúp đỡ rất nhiệt tình. Sự dìu dắt, giúp đỡ, khơi nguồn của các thầy đã góp công lớn tạo nên phong cách sáng tác tranh phong cảnh của họa sĩ tương lai. Aleksei Savrasov là thầy giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp sau này của Levitan.
Isaac Ilyich Levitan
(1860-1900)
Levitan học một năm lớp sao chép tranh (Kopierklasse), học tiếp lớp chủ nghĩa tự nhiên (Naturalismusklasse), rồi chuyển sang lớp tranh phong cảnh (Landschaftsmalersiklasse), Mới học được hai năm thì mẹ của Isaac mất (1875), cha ông thì lâm bệnh nặng .Cả gia đình Levitan lâm vào cảnh nghèo túng, bản thân Isaac Levitan thường xuyên phải nhịn đói hoặc ngủ lại trường. Do xuất sắc trong học tập nên Levitan nhận được học bổng cho hai năm cuối. Sức khỏe và tinh thần của Levitan đã bắt đầu giảm sút từ đó.
Levitan tốt nghiệp năm 1885. Tháng 3 năm 1877, hai tác phẩm đầu tiên của Isaac Levitan được triển lãm và được báo chí đánh giá cao. Bức tranh Ngày thu. của Isaac Levitan được nhà sưu tập tranh hàng đầu nước Nga là Pavel Mikhailovich Tretyakov mua . Mùa xuân năm 1884, Levitan tham gia vào cuộc triển lãm tranh lưu động của nhóm họa sĩ Peredvizhniki (nhóm họa sĩ lưu động) và đến năm 1891 thì trở thành thành viên chính thức của nhóm này cùng với các họa sĩ nổi tiếng khác như I. N. Kramskoi, K. A. Korovin.
Trong thời gian còn học ở Trường hội họa, Isaac Levitan kết bạn cùng các họa sĩ K. A. Korovin, M. V. Nesterov, kiến trúc sư Fyodor Shekhtel, họa sĩ N. P. Chekhov, nhà văn nổi tiếng A. P. Chekhov, sau đó Levitan và nhà văn Chekhov đã trở thành những người bạn thân thiết, Levitan thường đến nghỉ tại nhà Chekhov trong những giai đoạn khủng hoảng về tinh thần.
Levitan bộc lộ thiên hướng về tranh phong cảnh nông thôn hoặc thiên nhiên nước Nga. Những tác phẩm theo trường phái hiện thực của Levitan nổi tiếng với khả năng miêu tả chân thực vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, đồng thời cũng truyền vào đó cảm xúc và tinh thần của tác giả. Có thể kể tới các bức tranh Mùa thu vàng miêu tả mùa thu ở vùng nông thôn Nga với sắc vàng chủ đạo, bức Rừng bạch dương vẽ lại những cánh rừng bạch dương Nga vào mùa xuân với sắc xanh chủ đạo hay bức Cái yên tĩnh vĩnh hằng miêu tả thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ nghĩa trang thiên chúa giáo với nhà nguyện nhỏ bé nằm giữa một con sông nước Nga. Năm 1897, Levitan được bầu vào Viện hàn lâm nghệ thuật Nga và năm 1898 ông trở thành người phụ trách xưởng tranh phong cảnh của Trường đại học Mỹ thuật và kiến trúc Moskau . Sức khỏe của Levitan giảm sút, do ông thường xuyên bị viêm phổi và suy sụp về tinh thần, nhưng Levitan chưa bao giờ truyền tâm trạng u tối của mình vào trong các bức tranh phong cảnh, Tranh của Levitan đều mang màu sắc tươi tắn và miêu tả tuyệt vời vẻ đẹp của thiên nhiên nước Nga. Levitan qua đời ngày 4 tháng 8 năm 1900 khi mới 40 tuổi.
Những tác phẩm tiêu biểu của Levitan là :

Một ngày thu. Sokolniki (1879)
Levitan sớm bộc lộ sự cô đơn của mình trong tranh. Khi nhà sưu tập tranh nổi tiếng Tretyakov ngắm khá lâu và quyết định mua bức Một ngày thu. Sokolniki người ta bắt đầu biết đến chàng sinh viên trẻ Levitan. Con đường mùa thu trong công viên, lá vàng cô đơn càng cô đơn hơn với một bóng thiếu nữ lẻ loi bên đường, bộ trang phục màu đen của nàng càng dậy thêm nỗi buồn.

Rừng bạch dương (1885)
Tranh Levitan buồn nhưng màu sắc vẫn tươi sáng rực rỡ, bạn đã bao giờ thấy lá hát, thấy nắng reo múa trên cây và cảm giác yên tĩnh bất ngờ của rừng trưa? Đó là những gì tôi cảm nhận từ bức Rừng bạch dương của ông, đây cũng là một bức tranh tôi rất thích của Levitan.
 
Sau cơn mưa (1889)
Sau cơn mưa là một trong những bức tranh tôi rất thích của Levitan, ai có thể vẽ mặt nước tuyệt vời hơn ông đã vẽ trong bức tranh này. Bến nhỏ sau cơn mưa sáng rõ với mặt nước … tuyệt vời. Còn nhớ có một lần tôi đọc người ta viết về tranh của Levitan thế này: “trong một cuộc triển lãm, ông vẽ những bông hoa súng trong cái lọ sành mộc mạc, những cánh hoa căng mọng nước tràn trề sức sống, sống động đến nỗi một khán giả đã lại gần sờ vào bức tranh để xem nó là thật hay giả” – nói như vậy quả là không quá, nó hoàn toàn trùng khớp với cảm giác của tôi khi tôi xem bức Sau cơn mưa.
Sau này chính vì nguồn gốc Do thái mà ông bị Nga hoàng trục xuất khỏi thủ đô dù tài năng của ông đã nổi danh trong cả nước và bản thân Nga hoàng rất mến mộ ông. Một bức tranh khá nổi tiếng của Levitan đã mang lại giải thưởng cho ông trong thời gian này. Nó càng thể hiện rõ sự cô đơn của ông trong cuộc sống.


Buổi chiều Plese vàng (1889)
Buổi chiều Plese vàng là một bức tranh ấn tượng trong trí nhớ của tôi, Levitan yêu thích hoạ sĩ phong cảnh Pháp Corot, nhưng với tôi ông là hoạ sĩ phong cảnh vĩ đại nhất. Ông được đánh giá là hoạ sĩ diễn tả bầu trời, không khí và tâm hồn Nga sâu sắc nhất.


Nước sâu (1892)
Kỹ thuật vẽ mảng được thể hiện rõ nhất trong bức Nước sâu (1892). Làng quê Controley trong ráng chiều. Những rặng cây chìm vào bóng tối, in trên nền trời vàng rực. Bóng cây tối hẳn trên mặt nước phẳng lặng. Đêm thâm u khiến nước rêu thêm. Chiếc cầu tạm bắc ngang mời mọc, nâng bước chân người về. Nước Nga không thiếu cảnh hùng vĩ, choáng ngợp kiêu sa, song Levitan ưa chọn góc độ bình dị, thân thương của làng quê yên ả để gửi gắm cảm xúc, khiến người thưởng lãm phải chiêm ngưỡng, tâm niệm, lặng đi trong cảm xúc.

Từ 1892 tới 1895 Levitan đi dọc theo con sông dài Volga và vẽ được nhiều bức tranh phong cảnh đẹp của miền này. Có thể nói tranh của Levitan thẫm đẫm cảnh vật và con người Nga, tranh của ông Nga hơn bất kỳ một hoạ sĩ Nga nào khác nhưng nỗi cô đơn làm tranh ông thường vắng bóng người.


Đường Vladimirka (1892)
Vắng và vắng, đó là nỗi cô đơn luôn luôn mênh mang trong tranh của Levitan. Đường Vladimirka nhìn đã thấy mênh mang và buồn khôn tả, cả con đường rộng thênh thang, bầu trời mênh mang, mây xa tắp, đường chân trời nơi cuối đường, nó quá rộng, chỉ có một bóng áo đen của góa phụ côi cút trên đường – chỉ là cô đơn trong tranh ông. Vladimirka là con đường dẫn giải các tù nhân đi chôn vùi cuộc đời mình ở Sibêri giá lạnh, trong những lớp bụi đường kia như còn nghe tiếng xiềng xích va vào nhau.
Levitan dành được rất nhiều giải thưởng trong cuộc đời của mình, nhưng không tạo ra một trường phái nào cả. Về cuối đời Levitan càng u trầm hơn, sự hiểu nhẩm với người bạn thân nhất là nhà văn Sê-khốp đã khiến ông càng trầm lặng và buồn phiền.


Sự yên tĩnh vĩnh hằng (1893)
Thêm một nỗi buồn nữa: Sự yên tĩnh vĩnh hằng, nơi ngọn đồi rộng bao la giao hòa trời đất. Levitan là bậc thầy trong diễn tả không gian, chỉ một khuôn vải mà trải ra mênh mang cả trời, cả nước, cả đất, cả mây – ông đặt tên bức tranh này là Sự yên tĩnh vĩnh hằng quả không sai. Trên ngọn đồi cô đơn nóc nhà thờ cổ ẩn mình dưới tán cây, ngọn lửa nhỏ vẫn lặng lẽ sáng trong ô cửa nhỏ, bên cạnh dãy nghĩa địa xiêu vẹo những cây thánh giá. Tôi thực sự ngưỡng mộ cách mô tả không gian tuyệt vời trong bức tranh này.


Tháng ba (1895)
Tranh của ông tươi mới, giản dị mà đẹp mộc mạc như những làng quê và bầu trời mênh mang của nước Nga vậy. Cảm giác như tuyết trong bức tranh Tháng 3 đang lắc rắc tan dưới vó con ngựa buộc trước hiên nhà.

Nước mùa xuân (1986)
Rồi mặt nước mùa xuân không một chút xao động.


Yên tĩnh, 1898
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi và cô đơn của mình, Levitan đã vẽ lên rất nhiều tuyệt tác u buồn, những bức tranh u buồn nhưng lóe sáng.

Hồ, 1900
Levitan trút hơi thở cuối cùng vì bệnh lao phổi vào một ngày nắng đẹp, khi trong vườn hoa tử đinh hương đang tỏa hương ngào ngạt và trên giá vẽ của hoạ sĩ là một bức tranh rất rực rỡ, tươi sáng mang tên Hồ.


Mùa thu vàng (1895)
Bầu trời mùa thu trong trẻo, rừng bạch dương vàng rực trong nắng chiều, xa xa một cây bạch dương cô đơn soi bóng xuống dòng sông yên ả, mùa thu đang đến, một mùa thu rất Nga – đó là bức tranh nổi tiếng nhất của Levitan: Mùa thu vàng.
Thiên nhiên Nga, như một nhân vật, hiện thân của cái đẹp vĩnh hằng, sống động trong dân ca, trong thơ Pushkin, Lermontov, Esenin, cả trong những áng văn xuôi của Lev Tolstoy, Chekhov, trong âm nhạc Tchaikovski và trong tranh Levitan. Đó là thế giới của sắc màu thấm đẫm tâm hồn Nga đầy kiêu hãnh, trong sáng và mênh mông một nỗi buồn trắc ẩn. Ông không nhìn thiên nhiêu ở góc độ hào nhoáng, lạ lẫm mà bình dị, thân thương. Ai đã đặt chân lên đất nước Nga vào thu đều không khỏi ngỡ ngàng trước màu vàng choáng ngợp của rừng bạch dương. Nhiều góc độ hoành tráng hơn tranh vẽ. Levitan dừng lại ở cây bạch dương nhỏ, dòng nước nhỏ, cầu gỗ đơn sơ, những đống rơm lặng lẽ dưới trăng mờ... vì nó gần gũi, thân thương. Thiên nhiên Nga trong tranh ông không phải nàng tiên xa lạ, mà là cô hàng xóm đáng yêu, nặng lòng giao cảm.
Với sự bùng nổ công nghiệp của chủ nghĩa tư bản, khuôn mặt thiên nhiên Nga bị bóp méo, Levitan gắng công lưu giữ thiên nhiên thuần khiết trong tranh mình, cũng như Esenin hoài niệm về một làng quê yên ả. Cảm xúc bùi ngùi này dậy lên trong ta, giờ đây, khi về quê xa xa vắng bóng lũy tre làng...
Con người ngày càng ý thức về môi trường, càng thấy giá trị tranh phong cảnh của Levitan. Riêng đối với thiên nhiên Nga, tranh ông là chân dung trung thực, đầy biểu cảm.
                                                                                                                                             ( ST ) 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét