Ý nghĩa
Nghê là con vật huyền thoại có từ rất lâu đời giống như sư tử. Nghê là vật bảo vệ và canh giữ cửa ngôi nhà. Vì vậy, trong mỗi đình chùa ta thường thấy có tượng hai con nghê đá canh cửa. Trong Phong Thuỷ, tượng nghê thường dùng trấn giữ cửa nhà, hoá giải hung khí chiếu tới khi đối diện với của nhà khác, bị ngã ba, ngã tư, đường vòng, hoặc góc nhọn chiếu vào cửa nhà. Nghê cũng dùng để hoá giải hung khí các Sao Sát Khí chiếu mỗi năm.
Nghê thường được đặt đứng vững chắc trên bệ đá. Con đực thường ôm quả cầu ngọc chỉ ra sự quan trọng của liên kết làm ăn trên pham vi không gian, toàn cầu và bảo vệ bạn bất kỳ đâu trên trái đất. Trong khi con cái ôm một đứa con nhỏ, nói lên sự bảo vệ hôn nhân và bền vững của gia đình.
Con đực đặt bên trái (Từ hướng nhìn ra từ bên trong nhà bạn) và con cái bên phải (Từ hướng nhìn ra từ bên trong nhà bạn)
Ngê đồng, thế kỷ I-III | Đỉnh gốm men rạn có nắp thời Lê, tháng 4 niên hiệu Vịnh Hựu 2 (1736) | Tượng nghê gỗ chạm, triều Nguyễn thế kỷ XIX |
Con
nghê - đồ án trang trí đặc sắc bắt đầu có ở nước ta từ bao giờ trong
các chốn uy nghiêm như lăng tẩm, cung điện, đền, khán thờ, tấm chạm,
cột, đầu đao đình làng và gắn liền trên các đồ vật như: hoành phi câu
đối, đỉnh hương, chân đèn, dấu, ấn, triện, nắp chóe, vật bày thờ, nóc
bình vôi hay thậm chí cả trên cái chặn giấy...? phải chăng các nghệ nhân
muốn tạo nên con Nghê như một biểu tượng thuần việt?.
Nghê - con vật biểu trưng mang yếu tố
huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa, tượng trưng cho trí tuệ,
là biến thể từ sư tử và chó dữ, có sức mạnh như chúa tể muôn loài. (Khi
nghê hóa rồng biểu tượng cao cho quyền lực chính trực; khi nghê có mình
chó thể hiện lòng trung thành; khi nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến
ngọc như ý; khi nghê đội giá sớ hay bài vị, thường toát ra vẻ cam chịu;
khi nghê ngậm ngọc biểu tượng độc đáo của sự khôn ngoan (suy nghĩ, uốn
lưỡi và lựa lời trước khi nói); khi nghê đứng chầu hai bên khán thờ vẻ
uy nghiêm; khi nghê đeo lục lạc hay rỡn hí cầu… thể hiện sự tinh
nghịch,vui tươi; khi nghê có lông hình xoắn ốc như trên đầu tượng phật
mà người ta gọi là Phật ốc, Bụt ốc thể hiện sức mạnh toàn năng, phi
phàm). Bằng nghệ thuật tạo dáng và kỹ thuật chạm khắc tinh tế, người
nghệ nhân đã thể hiện những cảm thức sáng tạo và khiếu thẩm mỹ đặc sắc,
nhất là khi nền văn hóa thuần Việt phục hồi sau hàng ngàn năm Bắc thuộc.
Ngay từ thế kỷ (TK) I đến TK III, ở
ta đã có tượng nghê đồng (hình 1). Đời Lý đã có tượng nghê ở hai nậm
rượu. Từ TK XIII - XIV tới thời Chu Đậu (TK XVI - XVII) Nghê có trong
bát hương và các bình trầm hương (Hình 2). Với nhiều loại chất liệu
khác nhau, nghê được tạo từ đồng, gỗ chạm đến gốm tráng men các màu
(hình 3). Ngoài ra còn có nghê đá đứng chầu hai bên cùng hai cây hương
tại đền lăng của đại quan Vũ Vĩnh Tiến thời hậu Lê, xây năm 1660, tại
Phù Mỹ - Đô Lương - Ân Thi (Hải Hưng). Các triều đại phong kiến Việt Nam
trải qua bao biến động thăng trầm từ nhà Lý (TK XI) cho đến cuối đời
Tây Sơn (TK XVIII), mà sự phát triển của kiến trúc đình, chùa, sự giàu
có của giới quý tộc, trưởng giả càng đòi hỏi ngày một nhiều những phẩm
vật tế tự, sinh hoạt và trưng bày, gắn với thời thịnh đạt nhất của con
nghê. Thời Pháp thuộc, nhiều học giả Pháp đã chú ý đến con nghê qua
những hình vẽ bằng bút sắt khá thú vị (Hình 4).
Hình Lân chạm đá chùa Linh Quang, Hải Phòng, 1794 | Tượng sư tử, đồng, triều Nguyễn, TK XIX | Nghê men nhiều màu, triều Mạc - Lê Trung Hưng, TK XVI-XII |
Nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa con
nghê với con lân – một trong “Tứ linh”. Nếu không để ý kỹ cũng khó phân
biệt giữa nghê - con vật được biến tấu từ sư tử và cả chó cộng thêm sự
sáng tạo của nghệ nhân. So sánh lân (Hình 5) với nghê, có thể suy luận
nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, còn lân thuộc văn hoá
Trung Hoa. Lân giống sư tử nhiều hơn, có sừng, thân hình tròn mập, đuôi
ngắn, miệng ngậm ngọc hay ngồi chống chân lên quả cầu (Hình 6). Con nghê
có kỳ mà không có sừng, dáng thanh, mình thon nhỏ, trông giống như dáng
chó đuôi dài.Việc phân biệt này đôi khi cũng gây ra tranh cãi. Một số
bình hương, chân đèn gốm Việt Nam thời Chu Đậu, cũng có hình lân, nhìn
vào thấy rõ lân chứ không phải nghê. Tuy nhiên ngay cả “Vietnamese
ceramics a separate tradition” của John Guy và Jonh Stevensen cũng đôi
khi mắc lỗi ghi chú nhầm con nghê vào một số hình con lân bên nhiều bình
hương trầm cần minh họa.
Người Việt nuôi trâu cày, nuôi chó
giữ nhà và coi chúng thật gần gũi. Trong đời sống tinh thần, tổ tiên ta
cần có linh vật để xua đuổi tà ma, ác quỷ và canh giữ cho gia chủ. Vì
thế mà chó đá được dựng lên trước mỗi cổng làng, cổng đình, cổng nhà,
ngoài đầu hồi… tại nhiều làng quê miền Bắc nước ta. Để bày trước điện
thờ của các nhà giàu có, hay các đền thờ, đình, miếu… chó đá hóa linh,
được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ (Hình 7), mà dần thành con
nghê?
Mô típ trang trí được đồng bào dân
tộc Dao Tiền phía Bắc nước ta rất ưa sử dụng là hình hai con chó “Tua
chồ” chụm đầu lại. Người Dao Tiền xem như bùa hộ mệnh, vật linh thiêng
bảo vệ cho chủ sở hữu tránh được thú dữ, thiên tai. Vậy chó “Tua chồ”
được dệt trên vải thổ cẩm ở đuôi thắt lưng người Dao Tiền, với lối tạo
hình cách điệu, phải chăng chính là hình tượng con Nghê?
Nghê có mặt trong nhà, từ dân dã đến
trưởng giả, hay cung điện, đình, đền, chùa, lăng, miếu. Suốt nhiều thế
kỷ, trên các bình hương, nậm rượu, không thể thiếu nghê ở những nơi tế
tự. Sau khi thống nhất sơn hà, nhà Nguyễn - có lẽ do mặc cảm và thù ghét
các dấu vết văn hóa thời Trịnh và Tây Sơn, nên đã ưa chuộng văn hóa
Trung Quốc hơn. Có lẽ thế mà cùng với việc con rồng Việt uyển chuyển
thời Lý, Trần, Lê được thay bằng con rồng Trung Hoa thân mập, vảy to,
mặt ngắn; đồ gốm Tàu thay thế sản phẩm của những làng nghề truyền thống
và dĩ nhiên con nghê ít được dùng, bị lai dần theo cách tạo hình con lân
của Trung Hoa (Hình 8).
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Tú Anh ở Tp.
Hồ Chí Minh hiện sở hữu bộ sưu tập nghê gỗ hơn năm mươi con, có niên đại
từ thời Lê tới đầu Nguyễn. Xin chọn 3 con nghê của bà để giới thiệu và
so sánh:
Nghê, gỗ, thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX | Nghê, gỗ, thời Lê, TK XIV-XVII | Nghê, gỗ chạm, sơn thếp vàng của người Hoa vùng Nam Bộ, TK XVIII |
1. Tượng nghê, (gỗ chạm thời Lê -
Bắc Bộ), ngồi trên bệ chống hai chân trước, dáng thu mình vươn cao, tư
thế ngẩng đầu, cổ vươn, mặt hướng lên phía trên, mắt lồi, mũi nở, miệng
rộng ngậm, tai có hình như tai voi nhỏ, có năm vòng râu xoăn nổi, bờm
tóc kết thành bốn sóng to, đăng đối hai bên, ức nở, đầu, thân và đùi có
chạm nổi vảy rồng, lưng khum có hình mây lửa, đao, mác, nhìn nghiêng
chân và đùi là những tua hình mác uốn cong như sóng lượn, bàn chân có
móng vuốt, đuôi vắt từ trái sang phải.
2. Tượng nghê, gỗ chạm thời Nguyễn,
quỳ hai chân trước trên bệ, dáng vừa như rình mồi với tư thế như chuẩn
bị phóng vút đi. Lông mày xoáy trôn ốc. Mắt lồi, mở to có lòng trắng và
con ngươi, miệng ngậm nhưng vẫn chìa hai nanh dữ tợn, ria mép xoắn ốc,
hai râu xoáy ốc dưới cằm như sư tử, mũi nở nhưng tẹt, hai tai vểnh. Đùi
nổi rõ khối bắp thịt cuồn cuộn, cơ lưng gồng lên. Mông nở to, bờm và
đuôi xoè hình lửa có xoắn ốc nổi rõ như xoắn ốc trên đầu tượng phật. Hai
ngọn mây lửa ở cẳng chân sau. Bốn bàn chân xòe rộng, mỗi chân đều có
bốn có móng vuốt như móng sư tử. Lớp sơn son thếp vàng được tô ở bên
ngoài không đơn thuần chỉ là sơn để phủ mà còn góp phần tăng hiệu quả tả
thực, phù hợp với mục đích thờ cúng. Ngoài việc tiếp thu những mô típ
hình lửa, đao, mác như thời Lê, trong nghệ thuật tạc gỗ kết hợp với chạm
khắc, nghệ nhân thời Nguyễn còn đi sâu vờn tròn các khối tượng cũng
như các chi tiết trang trí, tả thực cơ bắp đùi, mông, lưng, móng vuốt,
lông mày của con nghê.
3. Tượng nghê, gỗ, chạm của Người Hoa
ở Nam Bộ, chạm khắc đơn giản, sơn đen phủ tượng, sau đó phủ ra ngoài
lớp thếp vàng óng ánh. Nghê ngồi trên bệ, hai chân sau thu lại, đứng
thẳng hai chân trước vòng cuốn cổ đeo ba lục lạc, cổ vươn cao, ngẩng đầu
có ba sừng, miệng ngậm ngọc, bờm và lông trên sống lưng dựng đứng như
một hàng kỳ có nhiều tua tia lửa chạy suốt từ đỉnh đầu đến sống đuôi.
Ngoài ra còn có dải chấm tròn nổi khối (đăng đối hai bên dưới mép hàng
kỳ tiếp xúc với gáy nghê nổi khối trên lưng nghê). Ở nách có ba tia đao
mác, giữa cẳng chân có ba u tròn và ba tia đao mác chạm nổi đăng đối hai
bên. Bàn chân trước có ba ngón không chạm rõ vuốt, phía sau chân trước
có ba u tròn nổi rõ. Cùng chất liệu gỗ, chạm, cùng miêu tả nghê, nhưng
với 3 thời kỳ khác nhau, ta có ba con Nghê với những giá trị lịch sử,
văn hóa, mỹ thuật khác nhau.
Con nghê thời Lê, niên đại sớm hơn
(khoảng TK XVI - XVII) với cách tạo dáng vững chãi, nửa như đứng chầu,
nửa như muốn bay lên trong khoảnh khắc muốn hóa rồng. Những mảng khối
âm, dương hoà quyện khá tinh tế tạo nên một dáng vẻ tự tin. Nghệ thuật
tạo hình phối hợp yếu tố chạm khắc trang trí vừa đơn giản, vừa cách điệu
đã tạo nên những chi tiết vừa khỏe khoắn, khúc chiết, vừa mềm mại,
thanh thoát, mang tính trang trí cao. Mây hình ngọn lửa, đã trở thành
như một dấu hiệu, như một chữ ký của những tác phẩm trang trí thời Lê.
Những vẩy rồng trên đầu và thân tạo cho nghê thêm linh thiêng.
Con nghê thời Nguyễn, niên đại muộn
hơn (khoảng đầu TK XIX), kích thước nhỏ hơn, hình khối căng tròn đầy và
có xu hướng tả thực ở lưng, chân, đùi. Những râu, ria, bờm, tóc và đuôi
được diễn tả bằng những đường nét trang trí khá trau chuốt, tỉ mỉ thậm
chí đến mức cầu kỳ. Dáng nghê nhìn từ đằng sau có phần thô và nặng nề,
với cái đuôi xòe tròn, xoắn ốc, hai chân thô và ngắn có đôi tai vểnh như
tai miêu… hao hao như những hình mẫu kiểu con lân của Trung Quốc.
Con nghê do người Hoa ở Nam bộ làm
(khoảng TK XVIII) các chi tiết chạm không rườm rà, ngược lại được diễn
tả mượt mà, đơn giản, có nhiều khối hình như được chuốt tới mức nhẵn
phồng, căng bóng. Đặc điểm và nét dáng con nghê này gần giống với chó có
đầu hơi to trong đời sống thực. Nơi sông nước, kênh rạch, trong suốt
quá trình khẩn hoang, con chó luôn gần gũi, gắn bó với con người Nam Bộ
nói chung và người Hoa nói riêng. Dần theo năm tháng, được biến thể
thành con nghê. Nhờ sự gắn bó lâu đời nên thẩm mỹ tạo hình của người
Hoa ở Nam Bộ cũng “Việt hóa”, đơn giản, chân phương, phóng khoáng, không
cầu kỳ làm điệu. Do đó, con nghê có vẻ đẹp riêng, mà không bị ảnh
hưởng, sao chép những công thức tạo hình bóng bảy, cầu kỳ như tổ tiên họ
ở Trung Quốc vẫn hay làm.
( http://battrang.info )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét