Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Diễn trình mỹ thuật Việt Nam qua một số kiệt tác tiêu biểu

Diễn trình mỹ thuật Việt Nam qua một số kiệt tác tiêu biểu

                                       
          (ĐHVH) - Mỹ thuật là một trong những loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời nhất. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều bức họa có niên đại từ 75.000-95.000 năm trước tại châu Phi. Bức tượng cổ nhất là tượng phụ nữ khỏa thân được tạc bằng ngà voi ma mút được tìm thấy ở hang Hohle Fels ở tây nam nước Đức có niên đại 35.000 năm. Ở Việt Nam, hình vẽ mặt người có sừng trên đầu ở hang Đồng Nội
(Hòa Bình) có niên đại 10.000 năm; những hình khắc người, muông thú, chữ cổ… trên bãi đá cổ Sapa (Lào Cai) có niên đại cũng vài chục ngàn năm về trước. Mỹ thuật không chỉ là phương tiện phản ánh thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người. Mỹ thuật bao gồm 3 loại hình cơ bản gồm điêu khắc, hội họa, kiến trúc. Ngày nay, mỹ thuật được mở rộng về loại hình và hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống với chất liệu, phương tiện, phương thức biểu đạt dường như vô giới hạn.

          Kiệt tác (masterpiece) là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Kiệt tác tiêu biểu là tác phẩm nghệ thuật có tính chất đại diện cho một thời kỳ phát triển của nghệ thuật. Kiệt tác tiêu biểu chứa đựng và phản ánh lịch sử, văn hóa, văn minh của dân tộc đã sản sinh ra kiệt tác đó. Kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu có thể vượt ra khỏi phạm vi của loại hình nghệ thuật, trở thành biểu tượng cho cả thời kỳ lịch sử, cho nền văn hóa, thậm chí cho cả một thời đại. Chẳng hạn, trống đồng Ngọc Lũ không chỉ là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, mà còn là biểu tượng của cả thời đại Đông Sơn nổi tiếng.


          Mỗi một giai đoạn lịch sử có thể có nhiều kiệt tác. Phải xác định tiêu chí để làm căn cứ lựa chọn kiệt tác tiêu biểu trong số các kiệt tác của cùng giai đoạn lịch sử. Kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu được xác định theo các tiêu chí sau:

Nổi tiếng trong phạm vi quốc gia, quốc tế;
Có giá trị nghệ thuật nổi bật, đạt đỉnh cao, thể hiện sự sáng tạo, sự độc đáo trong lĩnh vực mỹ thuật;
Có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, có thể đại diện cho một giai đoạn phát triển của mỹ thuật, của văn hóa.
Rõ ràng nhận thấy các tiêu chí trên chỉ có tính định tính, bởi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khó mà sử dụng các tiêu chí định lượng, có thể cân đong đo đếm được.

           Mỗi một thời kỳ, một trào lưu trong lịch sử mỹ thuật nói riêng, văn hóa nói chung tuân theo quy luật có tính phổ quát, đó là: hình thành, phát triển, thoái trào, diệt vong và sau đó bắt đầu một thời kỳ hoặc trào lưu mới. Quy luật này chịu sự tác động của nhiều yếu tố có tính vật chất, xã hội và lịch sử. Diễn trình của lịch sử mỹ thuật được vẽ theo hình “sin”, qua đó trên mỗi đỉnh của nó có các kiệt tác tiêu biểu. Nhìn diễn trình lịch sử qua các kiệt tác tựa như đứng trên cao nhìn các đỉnh núi để thấy được diện mạo toàn cảnh của mỹ thuật, qua đó có thể phần nào hình dung ra diện mạo của văn hóa dân tộc.
1. Một số kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu
Với 3 tiêu chí trên tác giả lựa chọn 5 kiệt tác tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam để khảo cứu: 1. Trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam); 2. Tượng “Vũ nữ Apsara” (Trà Kiệu, Quảng Nam);  3. Tượng “Phật A-di-đà” (chùa Phật Tích, Bắc Ninh); 4. Tượng “Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay” (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh) và 5. Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” (Tô Ngọc Vân).
1.1. Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong những trống đồng Đông Sơn tiêu biểu nhất, đẹp nhất, có kích thước lớn, hình dáng chuẩn mực, có hoa văn, họa tiết phong phú nhất. Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX tại tỉnh Hà Nam, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Trống có hình dáng cân đối, mặt trống hơi tràn ra ngoài tang trống. Trống có đường kính 79 cm, cao 63 cm. Thân trống có 3 phần: 1. phần trên phình ra gọi là tang, nối liền với mặt trống; 2. phần giữa thân trống hình trụ thẳng đứng; 3. phần chân hơi loe thành hình nón cụt. Có 4 chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng. Hoa văn được trang trí ở trên mặt trống và thân trống. Hoa văn có 3 loại:
1.     Hoa văn hình học: có các loại hình tam giác, hình chữ “S” nghiêng gẫy khúc, hình tròn, dấu chấm nhỏ, vạch song song…;
2.     Hoa văn hình người, động vật: hình người múa, thổi kèn, tay cầm rìu, cầm giáo, đôi trai gái cầm chày giã cối… hình hươu, chim (cò, vạc, sếu), chó;
3.     Hình hoa văn đồ vật: nhà cửa, thuyền, vũ khí (giáo, cung tên), công cụ (rìu, chày cối), trang phục (váy, mũ lông chim)…
Trống đồng Ngọc Lũ là một kiệt tác của nghệ thuật trang trí. Các hoa văn có tính cách điệu cao, rất đẹp và độc đáo. Tạo hình thân trống rất hài hòa, có tính biểu tượng. Trống đồng Ngọc Lũ chứa đựng quan niệm vũ trụ quan, nhân sinh quan đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, giải mã. Lê Văn Siêu nhận định mặt trống đồng Ngọc Lũ là bộ lịch của người xưa[1]. Quan niệm chung cho rằng trống đồng là nhạc khí, dùng trong tế lễ và đánh trận. Gần đây, có ý kiến cho rằng trống đồng là vật thiêng để thờ, gắn với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Trống đồng có tượng hình của cối (sinh thực khí nữ), của cơ thể phụ nữ. Dùng chày (sinh thực khí nam), giã vào trống đồng là trình diễn hành vi tính giao, cầu sinh sôi nẩy nở, phong đăng hòa cốc.
Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ đạt hầu hết các tiêu chí của một kiệt tác tiêu biểu, có giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Nó đã vượt qua phạm vi là một sản phẩm của nghệ nhân, trở thành kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu mở đầu cho lịch sử mỹ thuật và lịch sử văn hóa Việt Nam. Trống đồng Ngọc Lũ đã trở thành biểu tượng cho văn hóa Việt Nam và là biểu tượng cho cả nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng.
1.2. Tượng Vũ nữ Apsara
Pho tượng “Vũ nữ Apsara” ở bệ tượng Trà Kiệu (Quảng Nam) có niên đại vào cuối thế kỷ X. Pho tượng tạc hình một cô gái có khuôn mặt đầy đặn, sống mũi cao, mắt to, môi dày với đầy đủ đặc điểm nhân chủng Chăm. Đầu đội mũ Mrần nhiều tầng theo kiểu Kirata – Mukara. Một chiếc khố mỏng mảnh được chạm khắc tinh tế, những đường tròn của chuỗi hạt dây lưng và viền khố tạo ra những làn sóng mềm mại. Cô gái gần như lõa thể với bộ ngực căng tròn, cặp đùi thon, bụng nhỏ, cổ tay tròn lẳn,  toàn bộ cơ thể tràn đầy sinh lực và sức sống. Vũ nữ chuyển động theo tư thế múa, một chân đang nhón gót, trong khi một chân trụ vững. Một tay uốn cong lên phía trên, một tay uốn vòng xuống phía dưới. Vũ điệu phô bày vẻ đẹp nhục cảm nhưng thanh khiết. Một vẻ đẹp không thể diễn tả bởi vũ điệu và nhịp điệu của cơ thể vũ nữ, từ khuôn mặt với cặp mắt như đang mê đắm trong nhạc điệu.
Vũ nữ Apsara
Pho tượng “Vũ nữ Apsara” là kiệt tác tiêu biểu cho văn hóa Chăm Pa phát triển rực rỡ giai đoạn từ thế kỷ VII – XV, với nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm tinh tế và nghệ thuật điêu khắc đạt đến sự hoàn mỹ và độc đáo.
1.3. Tượng “Phật A-di-đà”
Chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được khởi dựng vào thời Lý (1057). Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng một tháp cao. Theo tương truyền, khi ngôi tháp bị đổ đã lộ ra pho tượng “Phật A-di-đà” bằng đá xanh nguyên khối được dát vàng[2].
Pho tượng “Phật A-di-đà”
Pho tượng “Phật A-di-đà” được tạc bằng đá xanh nguyên khối, chiều cao hiện tại là 2m77[3]. Tượng diễn tả Đức Phật ngồi trên tòa sen theo lối kiết già[4], thanh thản, tự tại. Đôi bàn tay kết ấn tam muội, tay trái đặt lên lòng bàn tay phải, hai ngón cái chạm nhau. Khuôn mặt phúc hậu, mi mắt khép hờ, phản chiếu sự tập trung nội tâm đầy viên mãn. Mình tượng thanh thoát, áo pháp như dính ướt sát người, nếp áo mềm mại, tinh tế. Đức Phật ngồi trên tòa sen, đặt trên bệ tượng bát giác, giật cấp theo hình thang rộng phía dưới, khiến cho bức tượng thanh thoát mà vẫn vững chắc. Bệ tượng được trang trí nhiều lớp hoa văn khá dày đặc, tinh tế. Dáng tượng thon dài, mặt tượng bầu bĩnh, trẻ trung với hàng lông mày cong vút, cổ cao ba ngấn[5], đặc biệt y phục hai lớp, có áo khoác ngoài mỏng, nếp áo lan tỏa mềm mại, vai áo phủ hình lá sen, nút áo thắt trước bụng cho ta thấy thân tượng thon nhỏ, làm cho nhân vật đậm chất nữ tính.
Chùa Phật Tích là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng và pho tượng “Phật A-di-đà” là kiệt tác điêu khắc hoàn thiện nhất, tiêu biểu và mở đầu cho văn hóa Phật giáo Việt Nam sau đêm trường ngàn năm Bắc thuộc.
1.4. Pho tượng “Phật Quan âm nghìn, mắt nghìn tay”
Pho tượng “Quan âm nghìn mắt, nghìn tay” (còn gọi là tượng Bồ tát Quan thế Âm thiên thủ thiên nhãn) là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ lớn nhất Việt Nam thuộc chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) - thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tượng có niên đại tuyệt đối là năm 1656, với tác giả được cho là Trương Thọ Nam[6]. Chiều cao cả pho tượng là 3,7m. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 789 tay dài ngắn khác nhau. Trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt. Phật ngồi trên tòa sen, cao 2,35m. Đầu rồng đội tòa sen cao 30cm. Bệ tượng cao 54cm, hình vuông được trang trí bằng các hoa văn, cây cỏ, con vật thiêng như rồng – ngư với viên ngọc, lân với quả cầu, quạt hai vòng tròn, họa tiết sóng nước, hoa sen. Phật Quan âm ngồi tọa thiền với dáng hành đạo, hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi, phía sau lưng là các chùm cánh tay, với các thế rất đa dạng, đẹp mắt. Toàn bộ sau lưng của pho tượng là một lá đề lớn, trên đó có những bàn tay nhỏ, tạo hình hướng tâm như các tia hào quang phát sáng. Phật Quan âm với khuôn mặt thư thái, ánh mắt quảng đại như bao quát cả vũ trụ.
Pho tượng “Quan âm nghìn mắt, nghìn tay”
Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay là một kiệt tác mỹ thuật, nổi bật về nghệ thuật tạo hình với bố cục, tỉ lệ, hình khối, đường nét đạt đến độ hoàn mỹ, vừa tạo nên rung cảm thẩm mỹ, vừa thể hiện triết lý Phật giáo. Giải pháp tạo hình với lá đề làm nền, trên gắn những bàn tay có con mắt Phật, thể hiện triết lý của Phật pháp có nghìn con mắt, nghìn bàn tay cứu độ chúng sinh, thực sự là một sáng tạo tuyệt vời. Pho tượng được đặt trong không gian Phật giáo của chùa Bút Tháp, với Phật điện  âm u, có Tích thiện am 3 tầng mái, tháp đá Bảo Nghiêm, lầu chuông, cầu đá… cùng với hơn 70 pho tượng rất đẹp, trong đó có pho tượng Tuyết Sơn cũng là một kiệt tác mỹ thuật, thì Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay càng nổi bật với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu.
1.5. Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”
Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” là tác phẩm với chất liệu sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân được sáng tác năm 1943. Nhân vật trong tranh là một thiếu nữ mặc áo dài trắng ngồi nghiêng đầu vuốt tóc một cách duyên dáng bên lọ hoa huệ tây trắng (thường gọi là hoa loa kèn). Tạo hình của nhân vật như khối tượng, cả dáng người tạo thành hình vòng cung như ôm lấy những bông hoa trắng, trông tĩnhđộng. Thiếu nữ với trang phục, khuôn mặt, bàn tay được diễn tả bằng những khối được giản lược, trong không gian chan hòa ánh sáng. Tuy theo kỹ thuật tạo hình và chất liệu phương Tây nhưng bức tranh vẫn mang sắc thái Việt Nam qua việc đơn giản hóa khốimàu sắc trong sử lý tác phẩm.
Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”
Tác phẩm này được coi là bức tranh tiêu biểu nhất của danh họa Tô Ngọc Vân và là một kiệt tác tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bức tranh cũng đánh dấu bước chuyển có tính chất bước ngoặt của mỹ thuật Việt Nam trong giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây.
2. Diễn trình văn hóa qua các kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu
2.1. Các kiệt tác tiêu biểu qua các chỉ số
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam qua 5 kiệt tác tiêu biểu, từ trống đồng Ngọc Lũ (nền văn minh Đông Sơn) đến bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” (thế kỷ XX) có chiều dài thời gian từ 2.500 – 2.700 năm. Tính trung bình cứ mỗi 500 - 550 năm thì có một kiệt tác tiêu biểu. Tuy nhiên, thời gian giữa các kiệt tác tiêu biểu trong thực tế có độ dài ngắn rất khác nhau. Chẳng hạn, từ trống đồng Ngọc Lũ đến tượng “Vũ nữ Apsara” và tượng “Phật A-di-đà” là hơn 1.500 năm. Thế kỷ X và thế kỷ XI xuất hiện 2 kiệt tác tiêu biểu với khoảng cách thời gian chỉ hơn nửa thế kỷ.
Về thể loại thì điêu khắc chiếm tỉ lệ 4/5 (= 80%); hội họa chỉ có 1/5 (= 20%). Chất liệu bền vững cũng chiếm tỉ lệ lớn gồm có đồngđá, 3/5 tác phẩm (= 60%). Như vậy, về loại hình thì điêu khắc có số lượng áp đảo và là thế mạnh của mỹ thuật truyền thống Việt Nam, hội họa phát triển rất hạn chế và không có thành tựu lớn cho đến thế kỷ XX. Trong quá khứ chỉ có một số dòng tranh truyền thống mang đậm chất dân gian như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống ̣(Hà Nội), Làng Sình (Huế)… Không có họa sĩ được ghi danh nào trong lịch sử, phải mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu XX trong mỹ thuật mới xuất hiện họa sĩ. Tương tự như trong văn học Việt Nam truyền thống thì thơ chiếm tỉ lệ áp đảo so với văn xuôi, có nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong khi số lượng nhà văn không nhiều và văn xuôi không có thành tựu như thơ[7].
Về chất liệu của 5 kiệt tác thì có 4 loại chất liệu được sử dụng, gồm: 1 đồng (trống đồng Ngọc Lũ); 2 đá (tượng “Vũ nữ Apsara” và  “Phật A-di-đà”); 1 gỗ (tượng “Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay”) và 1 sơn dầu (Bức tranh” Thiếu nữ bên hoa huệ”). Chất liệu đồng, đá, gỗ là chất liệu từ tự nhiên và tại chỗ, còn sơn dầu là chất liệu công nghiệp được nhập từ phương Tây.
Về tác giả của kiệt tác thì chỉ xác định được 2/5 (Trương Thọ Nam (?) và Tô Ngọc Vân), còn hầu hết các tác giả là nghệ nhân – nghệ sĩ dân gian và họ không được ghi danh trong tác phẩm.
Về chủ đề, hầu hết các kiệt tác (4/5 kiệt tác = 80%) có gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là Phật giáo thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy điều tương tự ở thời đại Phục Hưng các kiệt tác mỹ thuật (tranh, tượng, kiến trúc) của các danh họa vĩ đại như Leonardo Da Vinci, Raphaen, Michelangelo… đều có chủ đề Thiên Chúa giáo.
Về nhân vật của các kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu thì nhân vật nữ có 3/5 (=60%), gồm “Vũ nữ Apsara”, “Phật Quan âm nghìn, mắt nghìn tay”, “Thiếu nữ bên hoa huệ”, chưa kể “Phật A-di-đà” đầy chất nữ tính, trống đồng Ngọc Lũ có tượng hình của cối, biểu tượng sinh thực khí nữ cũng thuộc phạm trù tính nữ (tín ngưỡng phồn thực). Điều đó cho thấy nông nghiệp lúa nước, với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng cầu sự sinh sôi, nẩy nở đã ảnh hưởng đến đặc điểm văn hóa dân tộc và mỹ thuật cũng phản ánh tính chất này trong các kiệt tác.
Về địa điểm thì riêng tỉnh Bắc Ninh có 2 kiệt tác là tượng “Phật A-di-đà”, “Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay”. Điều này dễ hiểu bởi mảnh đất Bắc Ninh khi vào thời kỳ đầu công nguyên đã là trung tâm Phật giáo Luy Lâu phồn thịnh, vang danh một thời trong lịch sử, với nhiều cao tăng Ấn Độ và chùa chiền được xây dựng.
Xem bảng thống kê sau:

TT
Kiệt tác tiêu biểu
Thể loại
Chất liệu
Niên đại
Tác giả
Nhân vật
Tôn giáo, tín ngưỡng
1.
Trống đồng Ngọc Lũ
Điêu khắc -trang trí
Đồng
tk. 5-7 TCN
Khuyết danh
Có tính nữ
Tín ngưỡng phồn thực
2.
Vũ nữ Apsara
Điêu khắc
Đá
tk. X
Khuyết danh
Nữ
Ấn độ giáo
3.
Phật A-di-đà
Điêu khắc
Đá
tk. XI
Khuyết danh
Có tính nữ
Phật giáo
4.
Phật Quan âm NMNT
Điêu khắc
Gỗ
tk. XVII
Trương Thọ Nam (?)
Nữ
Phật giáo
5.
Thiếu nữ bên hoa huệ
Hội họa
Sơn dầu
tk. XX
Tô Ngọc Vân
Nữ
Không

2.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và mỹ thuật
Diễn trình của mỹ thuật song hành trong dòng chảy văn hóa. Thành tựu của mỹ thuật cũng là thành tựu của văn hóa, phản ánh đặc điểm, tính chất của mỗi giai đoạn lịch sử của văn hóa.
Theo Trần Ngọc Thêm, tiến trình văn hóa Việt Nam có thể chia thành 6 giai đoạn: 1. văn hóa thời tiền sử, 2. văn hóa Văn Lang – Âu lạc, 3. văn hóa thời chống Bắc thuộc, 4. văn hóa Đại Việt, 5. văn hóa Đại Nam và 6. văn hóa hiện đại. Sáu giai đoạn này tạo thành ba lớp chồng lên nhau: 1. lớp văn hóa bản địa, 2. lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, 3. lớp văn hóa giao lưu với Phương Tây[8].
Trống đồng Ngọc Lũ là sản phẩm của lớp văn hóa bản địa. Thành tựu lớn nhất của giai đoạn này sau nghề trồng lúa nước là nghề luyện kim đồng. Trống đồng Đông Sơn xuất hiện vào những thế kỷ 7 – 5 TCN, gắn với thời đại nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Mặc dù lịch sử của thời đại các vua Hùng chưa được tranh luận ngã ngũ nhưng hoa văn và các hoạt cảnh trên trống đồng đã phản ánh phần nào xã hội của nền văn minh nông nghiệp ngày ấy. Trống đồng Đông Sơn nói chung và trống đồng Ngọc Lũ nói riêng là “bộ lịch sử” bằng hình về xã hội Lạc Việt. Xã hội ấy phải có trình độ kỹ thuật và tay nghề rất cao của nghệ nhân mới có thể đúc được sản phẩm có độ phức tạp đến như vậy. Có ý kiến cho rằng xã hội Lạc Việt đã phát triển đến trình độ có nhà nước mới có thể tổ chức khai quặng, luyện kim, có trình độ khoa học nhất định mới tìm được vật liệu chịu lửa để làm khuôn đúc, hiểu biết tính năng hóa lý của hợp kim đồng... Xã hội ấy đã có phân tầng xã hội, đã có phân hóa giàu nghèo được phản ánh trong hiện vật tùy táng ở các ngôi mộ. Đây cũng chính là giai đoạn đã tạo nên đỉnh cao rực rỡ trong lịch sử dân tộc – văn hóa và có ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Ba kiệt tác tượng “Vũ nữ Apsara”, “Phật A-di-đà” và “Phật Quan âm nghìn mắt, nghìn tay” thuộc về lớp văn hóa Đại Việt, khi dân tộc Việt đã vượt thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc và bước vào giai đoạn tự chủ. Trong giai đoạn này, văn hóa dân tộc có sự du nhập của Phật giáo (ở miền Trung là Ấn độ giáo) và sau này có Nho giáo và Đạo giáo. Thời đại Lý – Trần chứng kiến sự phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Sự sùng kính, cảm hứng sáng tạo và thiên tài của nghệ nhân đã tạo ra kiệt tác tiêu biểu cho văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong sử sách Trung Hoa còn truyền tụng về bốn công trình nghệ thuật lớn của văn hóa Phật giáo thời Lý – Trần mà họ gọi là “An Nam tứ đại khí”, đó là Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền Vạc Phổ Minh. Ngày nay, chùa Bái Đình tân tự (Ninh Bình) chưa hoàn thành mà đã lập các kỷ lục trong đó có kỷ lục về tượng đồng lớn nhất Đông Nam Á như: tượng Phật Tổ 100 tấn, 3 pho Tam Thế 50 tấn, Phật Di Lặc 100 tấn và Quan Thế Âm 90 tấn…
Thực ra, kiệt tác “Vũ nữ Apsara” thuộc vào dòng chảy riêng của văn hóa Chăm Pa từ thế kỷ II đến XV, khi Vương quốc Chăm Pa còn là quốc gia độc lập với Đại Việt. Đây là một nền văn hóa có sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, đặc biệt kiến trúc tháp Chăm cũng là kiệt tác mỹ thuật có tầm cỡ khu vực và thế giới, chứa đựng những bí ẩn của nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng tháp. Nền văn hóa Chăm Pa có ảnh hưởng và tiếp thu Ấn độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo, tạo ra cho mỹ thuật Chăm một bản sắc độc đáo. Giai đoạn từ thế kỷ VII - XVI đến là giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc với hàng trăm tháp, tượng, bệ thờ. Thánh địa Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân ra đời trong bối cảnh văn hóa Việt Nam bước vào cuộc giao lưu văn hóa phương Tây. Sự giao lưu, tiếp biến đó đã làm biến đổi nền văn hóa Việt Nam trên mọi phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật.
Việc Pháp mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương  năm 1925 để đào tạo họa sĩ đã làm cho mỹ thuật Việt Nam sang một trang sử mới. Mỹ thuật được xây dựng trên cơ sở tạo hình phương Tây, theo tư duy duy lý, khoa học của định luật xa gần và giải phẫu. Các chất liệu mới được du nhập, trong đó có sơn dầu, đã mở rộng khả năng diễn tả, phản ánh hiện thực một cách vô cùng phong phú. Mỹ thuật có xu hướng dân chủ hóa, gần với đời sống. Tâm hồn, cốt cách của người Việt vẫn được chuyển tải và thể hiện đậm nét trong các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam từ họa sĩ Lê Huy Miến, người Việt Nam đầu tiên học vẽ tại Pháp, đến thế hệ đầu đàn học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… Các bức tranh của họ rất khác tranh Pháp mà rất Việt Nam trong bố cục, màu sắc, đường nét. Nổi tiếng trong số đó phải kể đến các bức tranh tiêu biểu như “Em Thúy” (Trần Văn Cẩn), “Chơi ô ăn quan” (Nguyễn Phan Chánh), “Gióng” (Nguyễn Tư Nghiêm), “Kết nạp Đảng trên trận địa” (Nguyễn Sáng)…
Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân là một minh chứng thể hiện rất rõ sự giao lưu tiếp biến văn hóa thể hiện trong lĩnh vực mỹ thuật. Chất liệu sơn dầu vẽ trên toan, hình họa và giải phẫu của nhân vật theo kỹ thuật tạo hình phương Tây. Nhân vật là con người cụ thể của một khoảng khắc của đời sống, mặc áo dài (một kết quả giao lưu tiếp biến văn hóa), trong khung cảnh thơ mộng của đời sống thị dân. Thiếu nữ được vẽ với kỹ thuật hình họa vững vàng. Mặc dù được vẽ theo lối hiện thực, nhưng không tỉa tót, đi sâu vào chi tiết như lối vẽ phương Tây. Khối được đơn giản hóa, đôi chỗ chỉ gợi để diễn tả khối, giản lược tối đa độ chuyển đậm nhạt. Đôi chỗ họa sĩ buông vài nét bút rất chắt lọc, tạo độ nhấn. Nhìn chung toàn bộ tác phẩm được giản lược về màu, khối và hình mà vẫn diễn tả được ánh sáng và không gian. Phải chăng đó cái riêng, cái độc đáo của Tô Ngọc Vân trong kiệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ”.
Biểu đồ diễn trình mỹ thuật qua các kiệt tác tiêu biểu:

3. Thay lời kết luận
Mỹ thuật Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, gắn với các giai đoạn và các lớp văn hóa. Quá trình lịch sử ấy đã sản sinh ra các kiệt tác trong đó có các kiệt tác tiêu biểu, đã phản ánh khá đầy đủ các đặc điểm, tính chất của các giai đoạn và các lớp văn hóa.
Dòng chảy mỹ thuật không phải lúc nào cũng thuận dòng. Mỹ thuật Đông Sơn phát triển với đỉnh cao rực rỡ với nghệ thuật trang trí với đạt đến tuyệt mỹ, nhưng lụi tàn và bị gián đoạn trong thời gian ngàn năm Bắc thuộc. Giai đoạn tiếp nối sau khi dân tộc đã bước vào giai đoạn tự chủ thì nghệ thuật trang trí cách điệu với các mô-típ hình học không được tiếp nối. Chỉ còn vang vọng trên cạp váy Mường (Từ Chi) và mãi mãi khiến chúng ta ngưỡng mộ di sản của cha ông được  phát lộ từ trong lòng đất.
Tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò bệ đỡ cho các thành tựu mỹ thuật. Với nền mỹ thuật Đông Sơn, tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện đầy đủ và toàn diện nhất trên trống đồng; Phật giáo là nguồn cảm hứng to lớn để người nghệ sĩ đã sáng tạo ra những kiệt tác điêu khắc tuyệt mỹ, cũng như Ấn độ giáo đối với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng với mỹ thuật đình làng…
Nhìn chung, mỹ thuật dân gian vẫn là nét chủ đạo của di sản mỹ thuật truyền thống. Những người nghệ nhân – nghệ sĩ dân gian vô danh nhưng đã sáng tạo ra một khối lượng di sản văn hóa đặc sắc, thể hiện tài trí, thẩm mỹ của người Việt qua kiến trúc, điêu khắc.
Việt Nam có quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, một nền văn hóa lớn có sự phát triển mạnh mẽ của hội họa, có lý luận tạo hình với Lục pháp luận từ thế kỷ thứ VI sớm nhất trên thế giới, có danh họa nổi tiếng thế giới nhưng hội họa Việt Nam truyền thống hầu như không có giao lưu, tiếp biến với hội họa Trung Hoa và hội họa truyền thống Việt Nam không có thành tựu như điêu khắc và kiến trúc.
Bước thời kỳ hiện đại, mặc dầu trong  bối cảnh thuộc địa, bị bức nhận văn hóa phương Tây, người Việt vẫn tiếp thu và tiếp biến các giá trị văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa của mình. Chỉ trong vòng có hai thập kỷ (từ 1925 đến 1945), các thế hệ họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tiếp thu nghệ thuật tạo hình phương Tây để đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam hôm nay, vừa có tính hiện đại, vừa có tính dân tộc.
Do khuôn khổ của bài khảo cứu nên còn những kiệt tác cũng rất đáng tự hào của mỹ thuật Việt Nam chưa được đề cập như kiến trúc và điêu khắc đình làng của các ngôi đình làng tiêu biểu Tây Đằng, Chu Quyến, Đình Bảng…; các ngôi chùa Tây Phương, Bút Tháp…; nhà thờ đá Phát Diệm…; đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm, mỹ thuật cố đô Huế, mỹ thuật giai đoạn hiện đại…
Hơn nữa, trong các kiệt tác mỹ thuật tiêu biểu còn rất nhiều vấn đề còn ẩn chứa, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục khám phá và giải mã.
    Nguyễn Văn Cương
(Bài đã đăng trên T/c VHNT số 6/2010)
                                                                  
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.     Nguyễn Phi Hoanh (1970): Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
2.     Trang Thanh Hiền: “Tượng A-di-đà chùa Phật Tích - những giả thiết”, http://daitangkinhvietnam.org/lich-su-phat-giao/phat-giao-viet-nam/1244-tng-a-di-a-chua-pht-tich-va-nhng-gi-thit.html
3.     Trần Ngọc Thêm (2001): Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh. Tp HCM.
4.     Chu Quang Trứ (1999): Mỹ thuật Lý  Trần – Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
5.     Lê Văn Siêu: “Ý nghĩa hình vẽ trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ”, http://www.hugle.net/bi-an-cua-pho-tuong-phat-chua-but-thap/
6.     Trịnh Quang Vũ (2009): Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.


Chú thích


[1] Xem Lê Văn Siêu “Việt Nam Văn minh sử”: http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/
[2] Trong bài minh văn khắc trên tấm bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự bi” niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1687) hiện dựng trước Nhà tổ của chùa, có đoạn viết “Vua thứ ba triều Lý, năm Long Thụy Thái Bình 4 (tức năm 1057) cất lên cây tháp quí cao nghìn trượng, lại dựng lập pho tượng mình vàng cao sáu xích…”
[3] Căn cứ vào phong cách và hoa tiết của hoa văn, có ý kiến cho rằng bệ tượng đã được làm lại ở đời Lê. Đến khi phục chế pho tượng năm 1959 đã phát hiện bệ tượng bị thiếu đi một khối cầu. Căn cứ vào đó có thể xác định chiều cao pho tượng có thể thêm 60 cm nữa. (Theo Trang Thanh Hiền)
[4] Thế kiết già có hai loại: kiết già toàn phần và bán kiết già. Kiết già toàn phần là lộ 2 lòng bàn chân trên đùi, còn gọi là thế hàng ma. Bán kiết già chỉ lộ một lòng bàn chân trái hoặc phải, còn gọi là:  hàng ma lộ bàn chân phải và hàng ma lộ bàn chân trái. Áo phủ toàn bộ phần đùi nên khó xác định là nhân vật ngồi kiết già hay bán kiết già. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới. Nxb Đà Nẵng 1997.

[5] Năm 1947, chùa Phật Tích bị Pháp phá hủy, đầu pho tượng A-di-đà bị gãy. Đến 1956-57 đầu tượng được phục chế theo tư liệu ảnh chụp lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ.
[6] Trên bệ tượng ghi: Nam Đông Giao, Thọ Nam – Trương tiên sinh – phụng khắc (tạm hiểu: Nam Đông Giao là địa chỉ, Thọ Nam là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ); cũng có ý kiến cho rằng người phụng khắc là người bỏ tiền ra để thuê thợ khắc tượng, rồi công đức pho tượng cho chùa.
[7] Thống kê trong Từ điển văn học (Nxb KHXH, Hà Nội, 1983-1984), trong 95 mục từ tác phẩm văn học Việt Nam thì có 69 tác phẩm thơ và 26 tác phẩm văn xuôi, tức là thơ chiếm 72,6 % ( trong số 26 mục từ văn xuôi có rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại hịch, chèo, tuồng… là những thể loại mang đậm chất thơ). Dẫn theo Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 289.
[8] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 75.
 ( http://huc.edu.vn )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét