(ĐHVH)- Bàn về bản sắc Văn hoá dân tộc quả
là một việc làm hết sức khó khăn. Biết bao nhiêu công trình và bút mực nhằm tập
trung vào câu hỏi “bản sắc dân tộc là gì?”, nhưng
cuộc hành trình truy tìm này vẫn còn tiếp tục. Không thể nói việc làm này là viển
vông và không có thật.
Bản sắc văn hoá dân tộc bao hàm những mặt được
hình thành và gắn bó với dân tộc từ thưở xa xưa, các mặt này được duy trì theo
quá trình của lịch sử. Đó là các kiểu quan hệ hay một kiểu lựa chọn riêng của một
cộng đồng về một phương thức ứng xử nào đó, khiến cho mỗi dân tộc hiện ra với
những nét độc đáo nhằm phân biệt với các dân tộc khác.
Có thật nhiều cách trả lời khác
nhau về bản sắc dân tộc, và mọi người cũng mặc nhiên công nhận rằng bản sắc dân
tộc là cái có thật, nên rất nhiều công trình gắng công tìm hiểu. Nhưng truy tìm
theo hướng nào và bằng cách nào là điều cần bàn đến. Bởi một lẽ ngay trong bản
thân khái niệm văn hoá cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi do đứng ở nhiều góc độ
khoa học khác nhau để nghiên cứu. Song ở đây chúng ta không sa đà vào việc truy
tìm một cách kiệt cùng về định nghĩa của văn hoá, vì càng đi sâu tìm hiểu khái
niệm này thì càng thêm phức tạp. Tựu chung, xét về mặt biểu hiện, văn hoá là một
hiện tượng xã hội mà không phải là hiện tượng tự nhiên, và nó thuộc về giá
trị tinh thần. Theo nghĩa chung nhất, văn hoá được xem là
toàn bộ những hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ cũng như trong hiện
tại tạo thành những chuẩn mực - giá trị, thị hiếu và truyền thống,
gọi chung là hệ giá trị - xã hội, một thành tố cơ bản
làm nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng dân tộc. Hệ giá trị xã hội
nào cũng đều nhằm vào sự thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, nó được biểu hiện trở thành các biểu
tượng văn hoá - các khuôn mẫu và chuẩn mực văn hoá.
Theo toàn thư quốc tế về phát triển
văn hoá (International Thesaurus on Cultural Development) của UNESCO: “Văn
hoá là một tập hợp các hệ thống biểu tượng, nó quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp
với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt” [1]. Sự hình
thành và phát triển văn hoá luôn dựa vào năng lực của con người trong việc nhận
thức và sáng tạo ra các loại hình ngôn ngữ kí hiệu - biểu tượng
( Symbol). Bởi lẽ, biểu tượng luôn chứa đựng trong nó những giá trị,
mà đằng sau các giá trị thường ẩn dấu một nhu cầu nào đó của con
người. Trong mọi nhu cầu của đời sống xã hội thì nhu cầu văn hoá
là nhu cầu cao nhất - nhu cầu giải trí và sáng tạo ra các tác phẩm văn hoá. Sự đa
dạng của văn hoá biểu hiện tính phong phú và tính nhiều vẻ của thế giới biểu tượng.
Khi nhấn mạnh đặc trưng cơ bản của
văn hoá là mang tính biểu tượng
(Symbolic) thì đó cũng là lý do khiến phải xem xét kĩ hơn về loại hình
ngôn ngữ - kí hiệu tượng trưng này.
Biểu tượng là gì? Để tạm hiểu, ta
có thể gọi nó là cái được dùng để biểu thị một cái gì đó. Nó là hình ảnh tượng
trưng được phô bày ra khiến người ta cảm nhận một giá trị trừu suất tức là thế
giới của ý nghĩa, cũng là thế giới của văn hoá.
Từ điển Petit Larousse cho rằng: “Biểu
tượng là dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật biểu hiện một điều trừu
tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó”. [2]
C.G.Jung - nhà phân tâm học người
Thuỵ Sỹ cũng quan niệm về biểu tượng như sau:
“Biểu tượng là một danh từ, một tên
gọi hay một đồ vật, ngay cả khi là quen thuộc ở trong đời sống hàng ngày, nhưng
vẫn chứa đựng những mối liên hệ về mặt ý nghĩa, bổ sung vào cái ý nghĩa ước định
hiển nhiên và trực tiếp của chúng”. [3]
Trong Dịch thuyết cương lĩnh của
Chu Hy, nhà triết học đời Tống cũng giải thích: “Tượng là lấy hình này để
tỏ nghĩa kia” [4] , tức là dùng cái tri giác để nói lên
cái khó có thể tri giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để
nói cái trừu tượng, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v…
Biểu tượng là loại hình “kí
hiệu” rất cổ xưa ra đời từ buổi bình minh của lịch sử hình thành nhân
loại. Biểu tượng được coi như là công cụ của tư duy trong tiến trình nhận thức
của con người. Nó là con đẻ của sự liên tưởng và tưởng tượng, giúp cho con người
khám phá ra thế giới đầy ý nghĩa. Nhiều nhà nhân học văn hoá còn cho rằng “đơn
vị cơ bản” của văn hoá chính là biểu tượng - vật hàm chứa
thông tin, và là hạt nhân “di truyền xã hội” đầu tiên của loài người.
Thế giới biểu tượng là thế giới của
ý nghĩa. Quá trình sáng tạo ra hệ thống các biểu tượng cũng là quá trình “khách
thể hoá” những “năng lực bản chất người” để tạo nên thế giới văn hoá. Có thể xem văn
hoá là toàn bộ thế giới thông tin, không kể di truyền sinh vật, là biện pháp nhằm
tổ chức, bảo vệ và truyền bá thông tin. Như vậy, biểu tượng chính là hình thức
ngoại hiện của văn hoá, còn hệ thống ý nghĩa nằm bên trong mỗi biểu tượng là nội
dung cơ bản của nó. Văn hoá được coi như là một “văn bản” các hệ
thống biểu tượng.
Biểu tượng bao gồm mọi dạng thức
hình ảnh tác động chủ yếu đến thính giác và thị giác
gây cho con người những rung động, những cảm xúc về chúng theo nhiều mức độ
khác nhau. Biểu tượng có mặt hầu hết trong các mặt biểu hiện của đời sống từ lĩnh
vực tôn giáo, nghệ thuật, chính trị, văn
hoá - xã hội… cho đến cả trong giấc mơ của con người.
Thực chất cuộc sống ngoài những nhận thức bằng tư duy lý tính mang tính khoa học
thông qua những hệ thống khái niệm và phạm trù v.v… thì còn biết bao điều không
thể hiểu biết trực tiếp được, nên người ta đã dùng một “vật môi giới”
làm trung gian nhằm để hiểu được những điều khó có thể tri giác, ta gọi đó là
biểu tượng như: “Rồng” biểu tượng cho quyền uy tối cao; “Rùa”
biểu tượng cho sự trường tồn, phúc thọ; “Bồ câu” biểu tượng cho
hoà bình; “Hoa sen” biểu tượng cho sự thanh cao; “Cái bắt
tay” biểu tượng cho sự thân thiện v.v…
Biểu tượng là phương thức nhận thức
của con người, nó biểu thị toàn bộ tâm cách cũng như tính cách của một dân tộc,
tính phong phú của biểu tượng cũng là sự tương ứng với tính đa dạng của cuộc sống,
mà con người cần truy tìm và nắm bắt lấy nó, nhằm thoả mãn mọi nhu cầu của con
ngưới trong đời sống xã hội. Thế giới biểu tượng là một vùng mù đầy ý nghĩa mà
con người là một động vật có năng lực biểu trưng và biết sử dụng các biểu tượng
(Homo - Symbolius).
Biểu tượng sống tiềm ẩn từ cõi vô
thức, mà sự sáng tạo ra các biểu tượng lại ở thế giới hữu thức, tức nó ra đời
trong lòng đời sống của con người. Do đó biểu tượng có những chức năng mà qua đó
con người có thể khám phá cũng như nhận thức sâu sắc cuộc sống của mình, từ đó
tạo ra những biến đổi rất lớn trong sự phát triển toàn diện về nhân cách của mỗi
con người, nói khác biểu tượng có chức năng chung nhất là điều chỉnh và định hướng
trở lại đời sống xã hội. Nó có vai trò làm động lực thúc đẩy cho xã hội phát
triển. Đó cũng là tính văn hoá của biểu tượng.
Về chức năng của biểu tượng như đã
biết, chức năng đầu tiên của nó là chức năng khám phá ra những giá trị,
tức tri giác những điều khó có thể tri giác bằng khái niệm. Đó là sự truy tìm của
trí tuệ vào cõi vô minh, nhằm tìm cách biểu hiện ra những ý nghĩa nào đó mà lý
trí khó nắm bắt được.
Biểu tượng mở rộng trường ý thức
trong mọi lĩnh vực, điều mà không thể xảy ra được nếu như đòi hỏi ở biểu tượng
một sự chính xác, cụ thể, theo kiểu tư duy logic - khoa học. Vì khoa học là sự
biểu hiện bằng các kí hiệu mang tính chính xác như dấu hiệu của toán học. Còn
biểu tượng không mang tính cụ thể, chính xác mà nó là cái trừu tượng, đa nghĩa
như các biểu tượng Âm - Dương trong Kinh Dịch: Vạch liền (-) là tượng Dương,
còn hiểu là cha, mặt trời, lửa, ngày, hoà bình v.v…; Vạch đứt (--) là tượng Âm
còn hiểu là mẹ, mặt trăng, nước, đêm, chiến tranh v.v…
Ngoài ra, biểu tượng còn có chức
năng thay thế, nhằm trả lời những câu hỏi hay thoả mãn một ước vọng nào đó
của con người, và chức năng siêu nghiệm để tiếp cận các yếu tố
thuộc lĩnh vực tâm linh. Chức năng giao tiếp nhằm giúp cho con người
liên kết lại với nhau. Song quan trọng hơn cả là chức năng liên kết xã hội
và chức năng giáo dục của biểu tượng.
Chức năng liên kết xã hội của biểu
tượng thể hiện tính liên kết của cộng đồng. Nó làm cho người ta hoà đồng với môi
trường xã hội và nhóm như: biểu tượng “Rồng”, “Tiên”
khiến chúng ta nhớ về cội nguồn dân tộc, biểu tượng “Cờ Tổ quốc”
cho ta nghĩ mình là người dân đất Việt. Biểu tượng trở thành ngôn ngữ chung của
toàn nhân loại, nó biểu thị được những giá trị mang tính chất toàn cầu như những
biểu tượng “Hoà bình”, “Tự do” v.v… Ngoài ra, biểu tượng còn có
khả năng phát ra những tín hiệu và lập khắc sau đó nó trở thành mệnh lệnh, thúc
đẩy mọi người hành động theo mệnh lệnh của trái tim một cách tự nguyện, tự giác
mà không cần một sự áp đặt nào của quyền lực. Đó chính là chức năng giáo dục
của biểu tượng.
Về vai trò của biểu tượng thì nó là
nhân tố gợi mở cho ta phát hiện và sáng tạo ra các giá trị mới - giá trị văn
hoá. Bởi biểu tượng luôn ở vị trí trung tâm của đời sống văn hoá. Nó là hạt
nhân tâm lý cho sự tưởng tượng, làm bộc lộ ra những bí mật của cõi vô
thức và trở thành động lực cho sự sáng tạo của thế giới hữu thức… Biểu tượng thực
sự vén mở cho ta thấy chân trời của trí tuệ bằng sự cảm nhận những giá trị đúng
đắn của cuộc sống. Sau cùng, biểu tượng còn hình thành nên các “khuôn mẫu
văn hoá” - khuôn mẫu hành vi trong mọi ứng xử của con người. Các khuôn
mẫu này được lắp đi lắp lại nhiều lần trong đời sống xã hội, theo chiều dài lịch
sử đã trở thành nếp sống, lối sống, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng dân tộc
khác nhau. Thực chất, biểu tượng đã thể hiện được sắc thái riêng
của mỗi nền văn hoá và đã tạo thành “cái gen” di truyền của nền văn
hoá đó, và biểu tượng đã trở thành “khuôn
mẫu gốc” (Archetype) và chuẩn mực văn hoá của mỗi cộng đồng.
Sự tìm hiểu biểu tượng cũng là sự nỗ
lực của con người muốn vươn tới sự “giải mã” các biểu tượng. Biết
bao nhiêu giá trị của biểu tượng đang còn chìm khuất trong huyền thoại, trong nếp
sống, cả trong kho tàng văn học - nghệ thuật và lễ hội truyền thống chưa được
khám phá. Nói khác đi, các giá trị chuẩn mực xã hội
được đúc kết và được biểu hiện trở thành các biểu tượng và đến lượt nó biểu tượng
là sự thị hiện ra bên ngoài các giá trị xã hội. Có thể hiểu biểu tượng là hình
thức biểu đạt các giá trị, ý nghĩa mà con người đã tìm kiếm và chọn lựa theo một
kiểu ứng xử nào đó, một quan hệ nào đó với tự nhiên và xã hội, và các giá trị đó
được biểu hiện ra bằng các biểu tượng. Nhận thức các hệ thống biểu tượng và “giải
mã” nó để hiểu về những giá trị, những tư tưởng được chìm ẩn trong thế
giới của biểu tượng. Đó là một cách thức để chấp nhận, để khám phá ra được tâm
lý, tính cách cũng như tinh thần của một dân tộc. Và đó cũng là phương thức để
nhận biết về “bản sắc dân tộc”.
Để làm rõ quan hệ này, ta có thể
tìm hiểu thêm về tính biểu tượng trong huyền thoại truyền thống của mỗi dân tộc.
Huyền thoại của nhiều cộng đồng người được bảo lưu cho đến nay thường bị coi là
hoang đường và thần thoại, nếu so với cái hiện đại. Nhưng nếu so sánh với quá
khứ của lịch sử nhân loại thì chúng ra đời ở một thời điểm đã khá muộn mằn, tức
trình độ tư duy và nhận thức con người đã được phát triển. Con người có thể ghi
lại những suy ngẫm của mình về vũ trụ, về
thế gian mình đang sống và huyền thoại ra đời như một sản phẩm tinh thần thông
qua sự cảm thụ, sự nhận thức của con người về hiện thực khách quan và được phản
ánh vào trong huyền thoại. Do đó những chất liệu làm nên huyền thoại là có thật
chứ không huyền. Có chăng phương pháp sáng tác huyền thoại là phương pháp khái
quát hoá, mô hình hoá bằng một loại hình ảnh tượng trưng gọi là biểu tượng và
chính các biểu tượng đã chứa đựng trong nó những giá trị, tư tưởng mà cả cộng đồng
dân tộc gửi gắm vào đó như biểu tượng mặt trời, một biểu tượng được suy tôn ở hầu
hết các dân tộc Đông Nam Á, mà phương Đông là phương của mặt trời mọc. Nó nói
lên ý nghĩa là ánh sáng đem lại sự sinh tồn cho vạn vật. Hay biểu tượng “Con
Hồng - Cháu Lạc” đã trở thành biểu tượng về nguồn gốc của dân tộc Việt.
Ở đây, Hồng Bàng có nghĩa là “chim ngỗng trời lớn”,
và như vậy cũng có thể hiểu thêm về một dân tộc được hình thành bởi nền văn hoá
sông nước và trở thành nền văn minh lúa nước sau này. Vậy “Hồng Bàng”
ở đây không chỉ định một dòng họ mà là một
đặc trưng của một thị tộc được dùng để định tên tộc ấy và nó đã trở thành một
biểu tượng chung của cả một cộng đồng - dân tộc.
Từ những phân tích trên đây, nếu giả
định có thể chấp nhận là biểu tượng ra đời trước hết từ nhu cầu sở thuộc xã hội
và tính cấu kết cộng đồng. Chúng ra đời trên cơ sở của môi trường sinh tồn tự
nhiên mà chỉ các thành viên cộng đồng đó mới cảm nhận được theo cách nghĩ riêng
và cách lựa chọn của mình để biến nó
thành giá trị tinh thần của cả cộng đồng, như “Rồng” và “Chim”
là biểu tượng của tính cộng đồng Bách Việt. “Rồng” và “Chim”
đẻ ra trứng là biểu tượng của sự nảy nở, sự phồn sinh, tràn đầy viên mãn.
Biểu tượng đã được xác định bằng
chính lý do ra đời của nó. Biểu tượng là dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài để nhận
biết sở thuộc cộng đồng. Chính biểu tượng đã tồn tại trong lòng cộng đồng và mỗi
thành viên trong cộng đồng đó. Biểu tượng buộc người ta thừa nhận nó nếu như người
ta muốn tồn tại và mỗi thành viên sẽ là người tự nguyện chấp nhận nó, bởi trong
nó luôn chứa đựng những giá trị và nó điễn đạt được những điều mong muốn cũng
như những khát vọng của mọi thành viên trong cộng đồng. Ta thấy biểu tượng có một
giá trị đối với nhóm, đối với cộng đồng và xã hội, nó có quyền năng tập hợp hay
đồng tình về một giá trị, một tư tưởng của
cả cộng đồng. Biểu tượng luôn mang xã hội tính vì nó có sức mạnh liên kết xã hội
như khi nói: “Con Hồng - cháu Lạc”,
hay “Tóc dài - răng đen” thì đó là sự kêu gọi ý thức cộng đồng.
Có thể nói bản sắc văn hóa
dân tộc chính là sự thể hiện của tâm lý dân tộc, được biểu hiện ra ở lối
sống, nếp sống, ở phong tục và tập quán, ở sự ưa thích, cách suy nghĩ và ở cả
thang bảng giá trị xã hội, bao gồm cả sở trường và sở đoản. Tất cả cùng hiện ra
những nét độc đáo, đặc sắc nhằm phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Bản
sắc văn hóa dân tộc là sự biểu
hiện về bản lĩnh sáng tạo của mỗi dân tộc. Nó được kết tinh thành những biểu
tượng văn hóa và thông qua các hệ thống biểu tượng, ta có thể hiểu được
tính cách của dân tộc đó.
Để tìm bản sắc dân tộc
Việt Nam
ta có thể tìm thấy một vài biểu hiện của những giá trị truyền thống thông qua
các biểu tượng văn hóa cụ thể như: Trống
đồng, Cồng, Chiêng, Rượu cần, Trầu cau v.v… Tất cả biểu hiện này đã nói lên một
nền văn hóa Nam Á bản địa. Và các biểu tượng khác thuộc về văn hóa ứng xử như: “Một
con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy
rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”,
“Bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “Một cây làm chẳng
nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” v.v… Ở đây nội dung của chúng
đã thể hiện được tính cộng đồng của cả dân tộc.
Qua một số ví dụ trên, ta nhận thấy
các hệ thống biểu tượng văn hóa - dân tộc đã hàm chứa trong lòng nó những giá
trị tư tưởng hết sức sâu sắc và đầy hàm súc, nó thể hiện được tâm lý dân tộc
trong quá trình chọn lựa một kiểu ứng xử, một kiểu quan hệ với nhau trong đời sống
văn hóa - xã hội. Từ đó, ta có thể hiểu thêm phần nào về bản sắc văn hóa
cổ truyền Việt Nam được định hình ở một nền văn minh lúa nước và
một nền văn hóa làng xã. Để có thể nắm bắt một cách đầy đủ và chuẩn
xác về bản sắc của một nền văn hóa nói chung cũng như bản sắc
văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng, chúng ta không chỉ thông qua một
vài biểu tượng đơn lẻ mà có thể kết luận ngay điều đó, mà còn phải đi sâu
nghiên cứu một cách nghiêm túc toàn bộ các hệ thống biểu tượng
truyền thống từ trong các huyền thoại, lễ hội, văn hóa và nghệ thuật dân gian
cho đến các khuôn mẫu ứng xử v.v… Có như
vậy, mới có thể khái quát một cách chính xác về bản sắc văn hoá
dân tộc.
Cuộc sống luôn thay đổi, biểu tượng
cũng có những đổi thay, nhưng nếu xác định kiểu lựa chọn về những giá trị nào đó,
thông qua hệ thống biểu tượng của cả cộng đồng, ta sẽ nhận ra sự khác biệt về mặt
tâm cách cũng như tính cách của một dân tộc. Chính sự khác nhau này đã làm nên
sự đặc sắc của mỗi nền văn hóa và đó cũng chính là sự thể hiện bản sắc
riêng của mỗi dân tộc.
Có thể nói, muốn tìm được bản
sắc văn hóa dân tộc một cách chính xác thì cần phải tìm thông qua các
hệ thống biểu tượng có trong lòng mỗi dân tộc.
TS. Nguyễn Văn Hậu
Trường ĐHVH Hà Nội
Tài liệu tham khảo
- Bộ Văn hóa thông tin (1972) “Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay”, NXB Hà Nội, trang 164.
- Đoàn Văn Chúc (1997) “Văn hóa học”, Viện Văn hóa, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 78.
- Jean Chevalier, Alain Gheerbran (1997) “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, trang XXIX.
- Đoàn Văn Chúc (1997) “Xã hội học Văn hóa”, Viện Văn hóa, NXB Văn hóa thông tin, trang 215.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét